8 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2024
Bất động sản năm 2024 trải qua một năm đáng nhớ khi nhiều chính sách mới được ban hành cùng lúc, niềm tin thị trường cải thiện rõ rệt, song đây cũng là năm biến động khi giá nhà đất tăng phi lý, các phiên đấu giá đất đầy bất thường...
Dưới đây là những sự kiện bất động sản nổi bật trong năm 2024 do Tạp chí VietTimes bình chọn.
Năm 2024 đánh dấu cột mốc pháp lý bất động sản khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực. Những thay đổi, điều chỉnh trong luật được đánh giá cao vì tính minh bạch, rõ ràng và công bằng, giúp chuyên nghiệp hóa các hoạt động môi giới và giao dịch, đặt nền móng để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.
Với nhiều điểm mới, Luật Đất đai 2024 nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng đất đai. Điển hình luật mới bỏ khung giá đất, thay vào đó, giá đất sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường; Từ 01/01/2026, bảng giá đất sẽ được ban hành hằng năm; đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; chỉ được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất; cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa…
Luật cũng góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, tăng cường quản lý đất đai cả về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế. Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều kỳ vọng về sự thay đổi và những tác động tích cực đối với xã hội.
Điểm đáng chú ý của Luật Nhà ở 2023 không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; căn hộ chung cư mini (nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê) sẽ được cấp sổ hồng; mở rộng đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; xây nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp; quy định cưỡng chế di dời khỏi nhà chung cư thuộc diện phải tháo dỡ…
Còn Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có điểm mới như chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán nhà ở hình thành trong tương lai; chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán phải thông qua ngân hàng; môi giới bất động sản không được hành nghề tự do từ ngày 1/8/2024; giảm số tiền thanh toán trước khi thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh…
Tuy nhiên, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân vẫn mong sớm có các văn bản hướng dẫn và triển khai đồng bộ để luật mới sớm đi vào cuộc sống.
Câu chuyện giá chung cư là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn bất động sản trong năm 2024. Căn nguyên là giá chung cư Hà Nội đã tăng nóng kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Giá chung cư từ mức trung bình 40 triệu đồng/m2 năm 2022 đã tăng lên mức hơn 70 triệu đồng/m2 vào cuối quý III/2024, thị trường không còn dự án mới có giá dưới 60 triệu đồng/m2, nhiều dự án mở bán thậm chí có mức giá trên 100 triệu đồng/m2 nằm ở ngoại thành như Đông Anh. Giá căn hộ tăng cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, những dự án cũ cũng không ngoại lệ.
Mức giá tăng nhanh đã gây ra một cuộc tranh cãi về việc “ai là người thổi giá chung cư?”. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư tăng cao, giỏ hàng mới khi mở bán còn bị một số sàn giao dịch và môi giới “cộng thêm giá” khi giao dịch với khách hàng. Số tiền chênh này không cố định mà phụ thuộc sức nóng của thị trường, có thể 5-20% giá bán.
Cùng đó, một số chủ đầu tư cũng góp phần đẩy giá nhà ở bằng cách đưa ra giá chào bán cao, nâng mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn mức trung bình các dự án bất động sản. Tại khu vực chỉ có số ít, thậm chí một dự án mở bán, chủ đầu tư có thể nâng giá để thu lợi, do không có cạnh tranh và giá tham chiếu.
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội cũng là từ khóa gây sốt trên thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024 khi các phiên đấu giá tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức thu hút số lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu giá dài và mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.
Mức giá trúng cao nhất cũng liên tiếp thiết lập kỷ lục như ở Hoài Đức hơn 133 triệu đồng/m2, Thanh Oai hơn 100 triệu đồng/m2. Trong đó, phiên đấu giá tại Thanh Oai ghi nhận khoảng 80% khách hàng trúng đấu giá không nộp tiền.
Diễn biến và kết quả này vẫn tiếp tục tiếp diễn tại các phiên đấu giá đất tại Hà Đông, Thường Tín, Sóc Sơn. Phiên đấu giá gây ồn ào nhất tại Sóc Sơn vào cuối năm khi huyện tổ chức đấu giá 58 thửa đất với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2. Tại vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, ông Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp 12.000 lần mức giá khởi điểm)… dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành.
Trước các dấu hiệu bất thường của cuộc đấu giá Sóc Sơn, ngày 3/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ các nghi phạm về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Từ các cuộc đấu giá đất cho thấy giá đất trúng đã bị các đối tượng đầu cơ "thổi" lên quá cao so với giá trị thực, tạo ra mặt bằng giá ảo nhằm trục lợi. Họ bất chấp rủi ro, sẵn sàng nộp đầy đủ số tiền đã trúng đấu giá để hợp thức hóa và sau đó lấy mức giá này làm căn cứ "thổi giá" đất ở khu vực và các vùng lân cận. Do vậy, giá nhà đất của Hà Nội từ vùng ven đô, hay trong ngõ nhỏ chật hẹp nội đô đều được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng/m2, khiến giấc mơ an cư của người dân càng trở nên khó khăn.
Hồi tháng 7/2024, TP.HCM gây xôn xao dư luận khi công bố dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn thành phố (dự kiến áp dụng từ 1/8 – 31/12/2024). Theo đó, giá đất ở tại nhiều tuyến đường có thể tăng từ 5-51 lần.
Tới tháng 10/2024, bảng giá đất chính thức được TP.HCM ban hành, áp dụng từ 31/10/2024 - 31/12/2025. So với dự thảo tháng 7/2024, giá đất tại bảng giá đất chính thức tháng 10/2024 đã giảm 20-30%.
Bảng giá đất mới cũng được UBND TP.Hà Nội công bố ngày 20/12 và có hiệu lực ngay lập tức cho đến hết 31/12/2025. Bảng giá đất vừa ban hành có giá cao gấp 2-6 lần bảng giá cũ.
Bảng giá đất mới được nhìn nhận là sẽ tạo áp lực lên người dân đóng tiền sử dụng đất, nhưng ngược lại, người bị thu hồi đất sẽ “dễ thở” hơn, giảm khiếu nại, khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai và giúp các dự án hạ tầng trọng điểm được đẩy nhanh.
Ngày 30/11, với trên 86,6% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Hiện nhà đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở, theo Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2025, họ được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. Chính sách này được thí điểm trong 5 năm.
Trường hợp trong khu, thửa đất có phần do cơ quan, tổ chức Nhà nước quản lý nhưng không tách được thành dự án độc lập thì được đưa vào diện tích đất chung để lập dự án và Nhà nước thu hồi, giao cho nhà đầu tư không qua đấu giá, đấu thầu.
Đây là quyết định rất quan trọng, được các chuyên gia bất động sản kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở thương mại không có đất ở, mở đường cho việc gia tăng nguồn cung cho thị trường, góp phần “bình ổn” giá nhà.
Năm 2024, một số địa phương đang tăng tốc phát triển các dự án nhà xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn hay các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, Bộ Xây dựng cho biết trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 580.100 căn.
Đây cũng là năm nhiều gói tín dụng được đề xuất nghiên cứu như gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ.
Cuối tháng 5, Bộ Xây dựng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội, với lãi suất thấp hơn 3-5% lãi vay thương mại, kỳ hạn 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bài bản, với mục tiêu rõ ràng và giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay. Nếu số lượng nhà ở xã hội được tăng lên, sẽ trở thành một đối trọng với các dự án nhà ở thương mại giá cao, là một trong những giải pháp quan trọng để hạ giá nhà.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có những biến chuyển mới với hoạt động phát hành và mua lại trước hạn diễn ra khá sôi động, song số liệu từ các tổ chức phân tích cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ ở mức cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt ở nhóm công ty bất động sản vốn có hồ sơ tín nhiệm yếu.
Số liệu từ VIS Rating cho thấy quý IV/2024 sẽ có khoảng 22.000 tỷ đồng trái phiếu do các chủ đầu tư bất động sản phát hành sẽ đáo hạn, phần lớn đã chậm trả gốc, lãi trong các kỳ trước.
Trong đó, khoảng 13.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong quý IV/2024 đã chậm trả nợ gốc, lãi vào năm 2023 và đã đàm phán thành công với các trái chủ để gia hạn thanh toán sang năm tiếp theo.
Thống kê từ một đơn vị xếp hạng tín nhiệm cho biết số dư trái phiếu doanh nghiệp (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2025 ước khoảng 334.000 tỷ đồng. Riêng với ngành bất động sản, số dư đến hạn dự kiến khoảng 135.000 tỷ đồng.
Năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chậm lại theo xu hướng chung của thế giới. Tính đến hết tháng 11, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 31,3 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng chậm này phản ánh đúng thực tế khi kinh tế Việt Nam có độ mở và dòng vốn FDI trên toàn cầu đã suy giảm trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) do bất ổn kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị.
Đáng chú ý, trong bối cảnh sản xuất toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn (vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,7% so với cùng kỳ) và các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm, dòng vốn FDI tại Việt Nam lại có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản. Trong 11 tháng, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 5,6 tỷ USD.
Dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, nhà đầu tư còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Do đó, những nỗ lực cải thiện khung pháp lý bất động sản và phát triển hạ tầng đang góp phần giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế..
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/8-su-kien-bat-dong-san-noi-bat-nam-2024-post181120.html