8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn
Xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước ta ước đạt 90.000 tấn, giảm 20,4% so với mức 113.039 tấn cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO).
Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính vào khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với tổng lượng cà phê đã xuất khẩu trong cùng kỳ năm trước.
Mặc dù lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu, đặc biệt là cà phê Robusta – chủng loại cà phê chủ lực của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh thời gian qua. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) thông tin, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8 (sáng 30/8, giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta cũng ghi nhận mức tăng 0,49% trong phiên hôm qua, đưa giá hiện tại lên mức 2.449 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam ảm đạm làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê trung bình 7 tháng đầu năm nay đạt 2.828 USD/tấn, tăng hơn 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục thời gian qua.
Bên cạnh đó, giá cà phê Arabica đảo chiều tăng nhẹ 0,23%. MXV cho biết, việc chỉ số Dollar Index ghi nhận mức giảm 0,51% trong phiên hôm qua đã kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm 0,43%. Như vậy, chênh lệch tỷ giá giữa đồng tiền của hai quốc gia nhập và xuất khẩu chính bị thu hẹp, khiến nông dân Brazil hạn chế việc bán hàng do thu về ít đồng Real hơn.
Trong khi đó, tính đến ngày 29/8, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm sâu về mức 500.931 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong hơn 9 tháng qua.
Về thị trường cà phê Việt Nam, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt khoảng 1,78 triệu tấn, thu về 4,06 tỷ USD trong năm 2022, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD. Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê của Việt Nam tính đến hết năm 2022 đạt 710,66 nghìn ha. Cà phê Việt Nam được trồng trên 19 tỉnh khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại 5 tỉnh Tây Nguyên, chiếm 91,2% tổng diện tích cả nước.
So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800 nghìn ha, Bờ Biển Ngà gần 800 nghìn ha.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng liên tục trong thời gian gần đây là do cung không đủ cầu, trong đó thời tiết là một trong những nguyên nhân chính. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.
Ngành cà phê Việt Nam đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.
Để phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững, Lễ khởi động triển khai xây lắp hợp phần 5 “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên” vừa được diễn ra tại tỉnh Gia Lai.
Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư nhằm hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk; phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê; đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu cà phê phục vụ chế biến và xuất khẩu; tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.