8 thực phẩm không nên dùng chung với mật ong
Mật ong là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, nhưng dùng mật ong với một số loại thực phẩm có thể gây hại...
Mật ong là chất tạo ngọt tự nhiên, được ong sản xuất từ mật hoa. Ong thu thập mật hoa, phân hủy thành đường và lưu trữ trong tổ ong, nơi mật ong dần đặc lại thành mật ong thông qua quá trình bay hơi.
Mật ong bao gồm carbohydrate và nhiều chất dinh dưỡng khác. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100 gram mật ong có 82,4 gam carbohydrate, 17 gam nước. Các chất dinh dưỡng có trong mật ong như: Canxi, kali, magiê, vitamin C, B… Mật ong cũng giàu chất chống oxy hóa như flavonoid và axit phenolic.
Lợi ích của mật ong:
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ chữa lành vết thương.
Có tác dụng prebiotic, giúp tăng cường hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện sức khỏe tiêu hóa.
Giúp trung hòa các gốc tự do và giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể.
Mật ong có thể giúp làm sạch chất nhầy dư thừa ở vùng mũi và họng, giúp ngăn ngừa cảm lạnh, ho và tăng cường hệ thống miễn dịch...
Không nên dùng mật ong cho những người tiền tiểu đường, tiểu đường hoặc những người có các triệu chứng như ợ nóng, nóng rát.
Mặc dù mật ong tốt cho sức khỏe và là thực phẩm đa năng, nhưng không nên trộn mật ong với một số loại thực phẩm nhất định để đảm bảo sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là một số loại thực phẩm nên tránh trộn với mật ong:
1. Mật ong với nước nóng
Theo Ayurveda (hệ thống y học Hindu truyền thống có nguồn gốc từ Ấn Độ), thêm mật ong vào nước nóng hoặc đun mật ong ở nhiệt độ trên 40°C sẽ không tốt cho sức khỏe. Khi mật ong được đun nóng, sẽ tạo ra độc tố hoặc "ama" và có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa.
Ngoài ra, việc đun nóng mật ong sẽ phá hủy nhiều enzyme có lợi, chất chống oxy hóa và đặc tính kháng khuẩn của mật ong, làm giảm lợi ích cho sức khỏe của mật ong.
2. Mật ong và hành tây
Không nên kết hợp mật ong với hành tây. Các axit hữu cơ và enzyme trong mật ong tương tác với các axit amin chứa lưu huỳnh trong hành tây, tạo ra phản ứng hóa học và sản sinh ra các chất có hại. Các chất này có thể gây ngộ độc hoặc kích thích dạ dày, dẫn đến tiêu chảy.
3. Mật ong với dưa chuột
Theo Ayurveda, tiêu thụ thực phẩm có tính chất đối lập là điều tối kỵ. Dưa chuột được biết đến với tính chất làm mát, trong khi mật ong có tác dụng giữ ấm. Khi hai thực phẩm này kết hợp với nhau, có thể dẫn đến mất cân bằng và gây ra rối loạn tiêu hóa.
4. Mật ong với thịt và cá
Sự kết hợp này không chỉ tạo ra mùi vị lạ mà còn cản trở quá trình hấp thụ protein có trong thịt và cá, đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa và gây đau dạ dày.
5. Mật ong với bơ ghee
Theo Ayurveda, ghee và mật ong có những đặc tính trái ngược nhau. Ghee được biết đến với đặc tính làm mát, trong khi mật ong được biết đến với đặc tính làm nóng. Khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra "ama" (độc tố), có thể làm rối loạn tiêu hóa và dẫn đến các vấn đề sức khỏe theo thời gian.
6. Mật ong với sữa nóng
Theo Ayurveda, thêm mật ong vào sữa nóng không tốt cho sức khỏe, vì có thể tạo ra một hợp chất gọi là hydroxymethylfurfural (HMF), với số lượng lớn, có khả năng gây độc.
Khi tiếp xúc với nhiệt, mật ong mất đi các đặc tính có lợi và có thể tạo ra ama (độc tố) trong cơ thể.
7. Mật ong với trái cây ngọt
Rưới mật ong vào bát trái cây ngọt như xoài sẽ làm tăng thêm vị ngọt, có thể gây tăng đột biến lượng đường, đặc biệt là những người đái tháo đường. Do đó, tránh trộn mật ong với trái cây ngọt như dứa và xoài ở những người bệnh này.
8. Mật ong và đậu nành
Khi tiêu thụ một lượng lớn mật ong kết hợp với đậu phụ hoặc sữa đậu nành, có thể xảy ra hiện tượng vón cục và đông lại trong dạ dày… có thể gây khó thở, thậm chí ngất xỉu. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tim, vì việc kết hợp hai thành phần này trong thời gian dài có thể gây nguy cơ đe dọa tính mạng.