8 ý tưởng 'chi tiêu có ý thức' mà bạn nên thử

Hầu hết, ai cũng có ít nhất một tật xấu khi nói đến việc tiêu tiền.

Ảnh minh họa

Với tôi, tiết kiệm quá cũng là một tật xấu.

Mặc dù khó có khả năng tôi sẽ mạnh tay vung tiền để mua một chiếc túi hàng hiệu, nhưng đôi khi, rất có thể tôi lại có xu hướng bị thu hút bởi những thứ không có tác dụng cho cuộc sống.

Gần đây, tôi đã trò chuyện với Amanda Clayman, một nhà tư vấn tài chính đang giúp mọi người tạo mối liên hệ giữa tiền bạc và vai trò của nó trong cuộc sống của họ để khuyến khích việc suy nghĩ thật kỹ trước khi "xuống tiền" - một phương pháp được gọi là chi tiêu có ý thức. Cũng giống như xem xét những gì bạn ăn hoặc cách bạn phân bổ thời gian trong ngày, đánh giá trước các giao dịch mua là cách để bạn có thể thoát khỏi tình trạng mua sắm bốc đồng.

Clayman nói: “Tất cả chỉ nhằm đảm bảo rằng chúng tôi hiểu rõ nguồn gốc của nhu cầu chi tiêu này”. Đồng thời lưu ý rằng việc mua hàng nhất thời thường bắt nguồn từ cảm xúc hơn là nhu cầu sử dụng món đồ đó.

“Hầu hết những thứ chúng ta chọn tiêu tiền có thể liên quan nhiều đến những thứ khác như: thương hiệu và tâm trạng, hoặc đôi khi chỉ là do chúng ta cảm thấy quá buồn chán,” cô nói thêm.

Nhiều người đã thêm chi tiêu có ý thức vào thói quen hàng ngày của họ và đây là mẹo để làm chủ suy nghĩ trước khi bạn rút tiền (hoặc thẻ ghi nợ) để thanh toán mua sắm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Hãy suy nghĩ về lý do tại sao bạn thực sự muốn có món đồ đó

Clayman giúp khách hàng của mình xác định và tìm hiểu gốc rễ của các lý do mua hàng để họ có thể đánh giá được liệu họ có thực sự cần điều đó hay không.

Cô ấy cũng lưu ý rằng, việc tạm dừng mua hàng là một mẹo hữu ích và lành mạnh cho việc học cách chi tiêu một cách có ý thức.

Clayman khuyên: “Hãy tạm dừng thêm một chút để xem xét điều gì thực sự ẩn sâu bên trong sự thôi thúc đó".

"Cố gắng đánh giá lý do đằng sau việc mua hàng là rất quan trọng" - Clayman nhấn mạnh.

2. Chọn tiết kiệm thay vì mua sắm theo cảm hứng

Một nửa trận chiến là nhận ra rằng bạn có thể bị nghiện adrenaline (một hormon có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú) khi mua hàng.

Christina Mychas - một người sáng tạo nội dung nói về việc chi tiêu có chủ ý và đề cập đến các chủ đề như thói quen tiêu tiền nói chung và tránh xa hành vi mua sắm bắt buộc.

Đối với cô ấy, học cách thực hành chi tiêu có chủ ý đã thay đổi cuộc sống và xây dựng sự tự tin, đồng thời giúp cô ấy tiết kiệm tiền và có một khoản tài chính vững chắc. Cô chọn sự ổn định tài chính thay vì cảm giác hồi hộp nhất thời khi có một cái gì đó mới.

3. Sử dụng nợ để đánh giá các ưu tiên của bạn

Mychas cho biết: “Chi tiêu hợp lý bắt đầu như một công cụ để trả các khoản vay thời sinh viên của tôi, vì vậy tôi phải học cách lập ngân sách và loại bỏ một số chi tiêu nhất định để có tiền trả nợ.

Song, mặc dù cô ấy đã đạt được mục tiêu không mắc nợ, nhưng các khoản chi tiêu bộc phát vẫn được đưa vào ngân sách của cô ấy. "Bây giờ tôi có thể hiểu sở thích của mình và cách tôi có thể sử dụng số tiền đó để chi trả cho những gì tôi quan tâm và định hình cuộc sống mà tôi muốn,” cô nói thêm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

4. Đặt các mục quan trọng trên một danh sách mong muốn

Chi tiêu cẩn thận không có nghĩa là bạn phải loại bỏ việc mua những thứ bạn muốn.

Ví dụ: Mychas thích mua quần áo, đặc biệt là quần áo Levi's cổ điển, nhưng kiểm soát chi tiêu bốc đồng của mình bằng cách lập danh sách những thứ cô ấy muốn trong khi từ chối mắc nợ khi mua hàng.

Cô ấy khuyên: “Khi biết chắc mình không có đủ tiền để làm tất cả, hãy quyết định điều gì quan trọng với bạn và phân bổ số tiền cho điều đó. Giữ việc mua hàng có chủ ý nhưng không phải là gánh nặng tài chính”.

5. Nhấn tạm dừng trước khi mua hàng

Bước đột phá của Rosie Piper vào việc chi tiêu có ý thức đã được thúc đẩy bằng cách xem xét các khoản mua hàng của năm ngoái và cố gắng cải thiện.

Piper nhấn mạnh: “Tôi nhận ra rằng mình đã thực sự bốc đồng khi mua hàng và tôi muốn bắt đầu một năm mới để ý hơn đến số tiền mình đã chi tiêu".

Kế hoạch của Piper là giữ một danh sách trong ứng dụng ghi chú trên điện thoại để có thể trực tiếp kiểm tra xem liệu bản thân mình có thực sự muốn món đồ đó hay không.

“Nó đã giúp tôi rất nhiều trong việc nhận ra thói quen chi tiêu của mình cũng như tiết kiệm tiền,” Piper nói thêm.

Sau đó, khi cô ấy vẫn muốn thứ gì đó sau 1 hoặc 2 ngày, cô ấy sẽ đánh giá thêm tình hình tài chính cá nhân và nghiên cứu để có được thỏa thuận tốt nhất, đặc biệt là khi mua sắm trực tuyến.

6. Hãy xem xét thiết lập những ngày mà bạn không mua bất cứ thứ gì

Là bà mẹ hai con, việc lập ngân sách là điều bắt buộc đối với Jamie-lee Birch. Sau khi nhận ra rằng mình đã rút thẻ tín dụng quá nhanh, cô ấy đã thêm những ngày không chi tiêu vào lịch trình của mình.

Birch nói: “Có những ngày tôi cố tình không cho phép mình tiêu tiền ngoài những thứ cần thiết, chẳng hạn như hóa đơn".

Khi cô ấy mua sắm có mục đích hơn nghĩa là cô ấy tận hưởng số tiền được phân bổ trong những ngày chi tiêu của mình. Điều đó làm cho việc tự thưởng cho bản thân, đi uống cà phê với bạn bè hoặc có một ngày đi chơi với con cái trở nên ý nghĩa hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

7. Giữ một bảng tính chi tiết về thói quen chi tiêu của bạn

Nếu bạn không biết tiền của mình sẽ đi đâu vào cuối tháng, hãy thử theo dõi bằng bảng tính.

Nắm rõ tình hình tài chính của cả gia đình đã giúp Birch giảm bớt căng thẳng và loại bỏ cảm giác tội lỗi khi chi tiêu.

Birch nói: “Kể từ khi thực hiện những thay đổi này, tôi thực sự cảm thấy hiểu biết nhiều hơn về tài chính và được trao quyền nhiều hơn nhờ thói quen chi tiêu cũng như thiết lập ngân sách tiết kiệm của gia đình mình".

8. Bạn có thể đối xử tốt với chính mình, nhưng hãy thử đánh lạc hướng bản thân bằng cách mua những món đồ yêu thích có giá rẻ hơn

Một chủ đề chung giữa những người chi tiêu có ý thức này là họ vẫn chi tiêu. Trừ khi bạn đang có ngân sách cực kỳ eo hẹp hoặc đang cố gắng nhanh chóng thoát khỏi nợ nần, việc có các khoản tiền tùy ý sẽ giúp quá trình này bớt hạn chế hơn miễn là bạn không chi tiêu vượt quá số tiền bạn có.

Đương nhiên bạn có thể không duy trì được thói quen bằng một đôi giày đắt tiền, nhưng thay vào đó hãy thử đánh lừa cảm giác của bản thân bằng cách mua thứ gì đó nhỏ như nến, tinh dầu hay sách... để vẫn cảm nhận được niềm vui khi mua được một món đồ nào dù có thể đó không phải thứ bạn yêu thích nhất tại thời điểm đó.

Clayman nói: “Nếu chúng tôi thực sự cảm thấy cần phải tăng cường mua sắm một chút để đánh lạc hướng bản thân, chúng tôi có thể thực hiện những thay thế đó".

Lam Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/8-y-tuong-chi-tieu-co-y-thuc-ma-ban-nen-thu-20230331092503739.htm