80% bệnh nhân mắc biến thể SARS -CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng
Theo các chuyên gia từ tâm dịch Hải Dương hiện chưa có ca bệnh nào tiến triển nặng. Có đến 80% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.
Hiện nay dịch bệnh COVID -19 ở Việt Nam tiến triển hết sức phức tạp. Tính từ ngày 27/1 đến nay đã ghi nhận 310 ca mắc trong cộng đồng, trong đó tâm dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh và lan ra nhiều tỉnh khác. Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương cũng rất phức tạp.
Công tác điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể SARS - CoV -2 chưa có gì đặc biệt, ở tâm dịch không có bệnh nhân nặng (ảnh TL).
Theo các nhà khoa học, gene vi rút SARS – CoV -2 ở Hải Dương, Quảng Ninh tương tự vi rút B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh (tháng 12/2020).
Đây là biến chủng B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây đã từng gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu. Hiện biến chủng B.1.1.7 đã xuất hiện trên 60 nước (tính đến ngày 17/1/2021).
Một vấn đề được nhiều người quan tâm biến chủng này tác động như thế nào đối với người mắc bệnh, quá trình điều trị sẽ như thế nào?
Trước băn khoăn này, sáng ngày 3/2, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Giáo sư Tuấn, công tác điều trị các bệnh nhân chưa có gì đặc biệt. Hiện chưa có tiến triển nặng. Hiện nay có đến 80% người mắc SARS – CoV -2 không có biểu hiện lâm sàng nên nhiều người dễ có tâm lý chủ quan.
Được biết, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn là những chuyên gia có mặt sớm nhất tại Hải Dương theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế để hỗ trợ công tác chữa bệnh.
Dưới sự chỉ đạo của ông, Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện dã chiến đặt ở Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Liên quan đến công tác tổ chức điều trị bệnh nhân, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai là người từng có mặt để thiết lập bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng, nay Hải Dương đã đánh giá, về mặt bản chất, các bệnh viện dã chiến giống nhau ở chỗ, đây là nơi đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho một nhóm bệnh nhân mắc phải các bệnh truyền nhiễm mà cụ thể ở đây là COVID-19, trong những tình huống khẩn cấp.
Khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh, các cơ sở y tế trở nên quá tải, đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên về bệnh truyền nhiễm, do đó việc thiết lập các bệnh viện dã chiến là vô cùng quan trọng đối với công tác phòng chống dịch.
Tại Đà Nẵng, dịch COVID-19 bùng phát ngay tại các cơ sở y tế khiến nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh thì việc thiết lập một bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng dịch và điều trị cho các bệnh nhân là vô cùng quan trọng và cấp bách.
Đối với Hải Dương, khi chưa thể xác định chính xác số ca nhiễm trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây thì bệnh viện dã chiến chính là nơi tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp nghi nhiễm để theo dõi, điều trị và sàng lọc.