80% ca COVID-19 ít có triệu chứng, nhiều bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến rất nhanh
Trong đợt dịch này khoảng 80% ca COVID-19 ít có triệu chứng và nhiều bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh, ngay cả với người trẻ tuổi.
Nhận định về tình hình điều trị các ca COVID-19 tại Việt Nam, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa Bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thống kê từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, đợt dịch này khoảng 80% người mắc COVID-19 ít có triệu chứng, cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện.
“Chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao”, ông Khuê nói.
Hiện trên thế giới có những cảnh báo ban đầu về biến chủng SARS-CoV-2 B.1.167.2 từ Ấn Độ. Các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới sẽ diễn biến bệnh khó lường, khó phát hiện. Có người xét nghiệm 2 lần đầu âm tính, lần thứ 3 mới dương tính, tức là thời gian ủ bệnh, lây truyền sang người khác có lúc nhanh, lúc rất khó đoán nên việc cách ly, theo dõi và quản lý tại khu cách ly hết sức quan trọng.
Tại Việt Nam, khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 có thể diễn biến nặng. Trong đó, 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu. Còn lại, họ có nguy cơ cao chuyển sang nặng (5%) hoặc rất nặng (5%). Vì vậy ngành y tế xác định đây đều là những trường hợp dễ tử vong, cần phải đặc biệt chú ý và phản ứng nhanh. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân này phải có tiêu chí cụ thể để thầy thuốc tại tất cả bệnh viện căn cứ vào đó xử lý, kết nối hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương khi cần.
“Bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh là điều rất khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị. Trên thế giới cũng có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus đợt này. Tại Việt Nam, hội chẩn cho thấy có ca bệnh biến chuyển rất nhanh”, ông Khuê nói.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo, trong quá trình điều trị, nếu các thầy thuốc chỉ nhìn trên máy báo oxy 99% mà không để ý kỹ, bệnh nhân có thể diễn tiến nặng lên nhanh vì trên thực tế lâm sàng, bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần. Bộ Y tế sẽ điều chỉnh phác đồ, cảnh báo sớm cho thầy thuốc. Các trường hợp khỏe mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác, đưa vào khu điều trị để đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát.
Hiện chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay của ngành y tế vẫn tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng.
Ngành y tế đang xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng. Phương án này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn.