80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Cứu nạn - cứu hộ, Bộ đội Công binh đi trước về sau
Bộ đội Công binh luôn có mặt ở những điểm nóng không những trong nước mà còn tham gia thực hiện nhiệm vụ nhân đạo cứu nạn - cứu hộ quốc tế.
Cầu Phong Châu nối 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông tỉnh Phú Thọ bất ngờ bị sập, nhận lệnh cấp trên, Lữ đoàn Công binh vượt sông thần tốc di chuyển lên hiện trường thực hiện công tác cứu nạn - cứu hộ. Đây chỉ là một trong rất nhiều “Nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” mà Bộ đội Công binh (BĐCB) thần tốc thực hiện, mang theo sứ mệnh bảo vệ tính mạng người dân là trên hết, trước hết.
Họ không chỉ làm nhiệm vụ trong nước mà còn tham gia vào sứ mệnh nhân đạo quốc tế.
Cuộc cứu hộ chưa có tiền lệ
Đầu tháng 2-2023, thảm họa động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng nghìn người thương vong và gây thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất. 30 quân nhân đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh (BCCB) đã cấp tốc hành quân tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối 12-2-2023, có 30 quân nhân đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh nằm trong đội hình 76 quân nhân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện sứ mệnh nhân đạo quốc tế.
Thiếu tá Lê Đức Tài, Đội trưởng đội Công binh, cho biết đơn vị chưa từng tham gia cứu hộ cứu nạn bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tiểu đoàn 93 nơi thiếu tá Tài công tác đã phát động thi đua với chủ đề “Viết tiếp chiến công, tô hồng truyền thống” và các quân nhân đều viết quyết tâm thư tình nguyện lên đường.
Sau 10 ngày thực hiện cứu nạn - cứu hộ tại tỉnh Hatay, đội Công binh cùng các lực lượng khác của QĐND Việt Nam đã tổ chức tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 vị trí có người trong đống đổ nát, trong đó hai vị trí có dấu hiệu sự sống.
Tại lễ đón đoàn trở về nước sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp, chia sẻ sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, là biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, thái độ cộng đồng trách nhiệm và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam; khẳng định uy tín, năng lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế, luôn luôn sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì sự hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Cứu nạn - cứu hộ là chiến đấu thời bình
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/TW ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu nạn - cứu hộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Binh chủng Công binh đã huy động hàng nghìn lượt người, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong nước và quốc tế.
Nổi bật là cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng (12-2014); vụ tai nạn máy bay của Quân chủng PK-KQ tại Hòa Lạc (2014). Bộ đội Công binh cùng Quân khu 5 làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu/Lào (2018); bắc cầu phao PMP 60 tấn bảo đảm giao thông tại Phong Châu (10-2024)...
Trong khu vực ASEAN, Công binh đã tham gia diễn tập ứng cứu sập đổ công trình tại Indonesia (năm 2015); tham gia diễn tập thực binh ứng cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ và ứng cứu quân y của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác (ADMM+) tại Thái Lan (2016). Binh chủng Công binh tham gia diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp thiên tai tại Indonesia (10-2023); tham gia diễn tập cứu nạn - cứu hộ chung giữa quân đội ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại Campuchia (11-2024)...
Với phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”, công binh đã xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách, tại chỗ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh/thành để xử trí các tình huống cứu nạn - cứu hộ.
Sứ mệnh nhân đạo quốc tế
Sau hơn một năm thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ An ninh Lâm thời Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA), Đội Công binh số 1 Việt Nam với nòng cốt là lực lượng thuộc Binh chủng Công binh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và về nước an toàn ngày 15-8-2023.
Toàn bộ 184 cán bộ, nhân viên của Đội được Chỉ huy Phái bộ thay mặt Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tư lệnh Phái bộ gửi thư khen vì đã có nhiều cống hiến, đóng góp trong nhiệm kỳ công tác, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu Phái bộ.
Trước đó, ngày 12-8-2023, Đội Công binh số 2 với 173 quân nhân đã đặt chân đến Phái bộ An ninh lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei để thay thế nhiệm vụ Đội Công binh số 1, tiếp nối sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
"Các đồng chí là những "sứ giả hòa bình" tại Liên hợp quốc, góp phần tỏa sáng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới".
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh tại lễ xuất quân sáng 24-9
Trong nhiệm kỳ công tác một năm, Đội đã hoàn thành bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường chính dài khoảng 59km, là trục đường nối Sudan và Nam Sudan qua khu vực Abyei; mở mới các tuyến đường tuần tra với tổng chiều dài 337km trong mùa khô, đảm bảo việc tuần tra của các Tiểu đoàn bộ binh trong việc bảo đảm an ninh khu vực Abyei…
Chiều 25-9-2024 (giờ địa phương), vượt gần 10.000km, trải qua bốn chặng bay, Đội Công binh số 3 đã tới địa bàn An ninh lâm thời Liên hợp quốc ở khu vực Abyei trong sự đón tiếp nồng nhiệt của các đồng nghiệp trong Tổ công tác Abyei, cùng sự vui mừng chào đón của người dân địa phương.
Hình ảnh những người lính Công binh Việt Nam không quản ngại hiểm nguy lao xuống dòng lũ cứu trợ đồng bào; bám trụ, vận hành cầu phao bảo đảm an toàn cho người dân đi qua từ khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu (9-9) và những công trình giao thông được ví như “cung đường hòa bình” nơi vùng chiến sự châu Phi đã khẳng định vai trò nòng cốt của BĐCB trong công tác cứu nạn - cứu hộ, cứu trợ nhân đạo quốc tế.
Điều này tô thắm thêm truyền thống “Mở đường thắng lợi”, "đi trước về sau" trong suốt 84 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Công binh.