80 năm ngoại giao Việt Nam: Tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc

Sáng 28/7, hội thảo khoa học 'Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc' đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành ngoại giao Việt Nam qua các thời kỳ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Sáng 28/7, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”.

Tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điểm lại khái quát một số thành tựu, đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao trong thời gian qua.

Theo đó, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với các mặt trận chính trị và quân sự, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần cụ thể hóa các thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, chấm dứt chiến tranh.

Hội nghị gồm hai phiên thảo luận với nhiều tham luận từ các chuyên gia, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Hội nghị gồm hai phiên thảo luận với nhiều tham luận từ các chuyên gia, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Sau khi đất nước thống nhất, ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hòa bình, phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng cục diện đối ngoại bằng đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngoại giao đi đầu trong việc đưa đất nước hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt qua các cột mốc lịch sử như gia nhập ASEAN, APEC, WTO... và ký kết, tham gia hàng trăm thỏa thuận, điều ước quốc tế.

Lịch sử 40 năm đổi mới của đất nước đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của ngoại giao trên cả 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Các lĩnh vực quan trọng từ ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác biên giới lãnh thổ, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác lãnh sự, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng ngành, đều đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy. Bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước, người dân, doanh nghiệp, huy động sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước ta trên trường quốc tế.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trung tâm, là một động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước. Việt Nam đã thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn FDI, trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, là một mắt xích quan trọng trong 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt trên toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 37 quốc gia, trong đó có các nước lớn và toàn bộ 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Đảng ta đã có quan hệ với hơn 230 chính đảng của 119 nước trên thế giới.

“Ngày nay, trong con mắt của bạn bè quốc tế, Việt Nam là một quốc gia tầm trung, có vai trò, vị thế ngày càng tăng, không chỉ ở khu vực ASEAN mà rộng hơn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, rộng hơn nữa là trên trường quốc tế. Có đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế”, đồng chí Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành ngoại giao qua nhiều thời kỳ.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành ngoại giao qua nhiều thời kỳ.

Dù vậy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: việc triển khai và tranh thủ lợi ích từ các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược có lúc chưa theo kịp với diễn biến nhanh chóng, khó lường của tình hình; nguồn lực dành cho công tác đối ngoại còn chưa tương xứng với thế và lực mới của đất nước cũng như yêu cầu ngày càng cao của công tác ngoại giao.

Hội thảo được chia làm hai phiên chính, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Tổng kết thực tiễn lịch sử 80 năm ngành ngoại giao, góp phần hoàn thiện lý luận của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trên cả hai mặt là công tác đối ngoại và xây dựng ngành; xác định nội hàm của ngoại giao trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là cụ thể hóa nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”; đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tình hình mới; đề xuất những sáng kiến, giải pháp cho công tác xây dựng ngành Ngoại giao cũng như đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu định hướng chiến lược cho Đảng và Nhà nước.

Tiến Duy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/80-nam-ngoai-giao-viet-nam-tan-tuy-phung-su-quoc-gia-dan-toc-i776290/