80% Quỹ Bảo hiểm Xã hội được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ
Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam Hồ Đức Phớc cho biết 80% Quỹ Bảo hiểm Xã hội được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, 20% gửi ở 4 ngân hàng lớn của Nhà nước.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm Xã hội sẽ được đầu tư ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Điều này khiến một số đại biểu băn khoăn về tính bảo đảm an toàn của Quỹ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng phải tăng tối đa mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ.
Đại biểu Lò Thị Luyên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội để đầu tư trong thời gian qua như thế nào chưa được đánh giá một cách đầy đủ. “Quỹ này phải đảm bảo an toàn vì nếu đầu tư gây mất mát sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tôi đề nghị cần bổ sung đánh giá cụ thể hơn về thực hiện chính sách và việc được sử dụng quỹ bảo hiểm để mang đi đầu tư cả trong và nước ngoài để đại biểu có căn cứ xem xét trước khi bấm nút,” đại biểu Luyên nói. Đại biểu Luyên cũng cho rằng cần phải có đội ngũ chuyên trách và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cho vấn đề này.
Chia sẻ với đại biểu về vấn đề quản lý quỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết danh mục đầu tư được cân nhắc rất thận trọng.
“Chúng tôi cơ bản đầu tư vào hai lĩnh vực. Khoảng 80% đầu tư vào trái phiếu chính phủ, đảm bảo độ chắc chắn và hỗ trợ được cho ngân sách, nhưng lãi suất không cao, có giai đoạn lãi suất 8-10% nhưng có giai đoạn xuống chỉ có 4,7%, thậm chí giai đoạn dịch COVID-19 xuống 2,26%. Phần 20% còn lại gửi ở các ngân hàng thương mại nhưng đều thuộc nhóm 4 ngân hàng lớn của Nhà nước để đảm bảo an toàn,” ông Phớc cho hay.
Việc đảm bảo an toàn Quỹ Bảo hiểm Xã hội trong việc đầu tư đã được quy định rõ tại Điều 119 quy định về Nguyên tắc đầu tư của quỹ trong dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội.
Theo đó, hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm Xã hội phải bảo đảm an toàn, bền vững và hiệu quả; từng bước đa dạng hóa danh mục đầu tư, cơ cấu và phương thức đầu tư phù hợp với năng lực và cơ sở vật chất của tổ chức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; ưu tiên đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ, nhất là Trái phiếu Chính phủ dài hạn. Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội thực hiện theo chiến lược đầu tư dài hạn, kế hoạch đầu tư trung hạn và phương án đầu tư hằng năm.
Cũng liên quan đến vấn đề Quỹ Bảo hiểm Xã hội, theo dự thảo luật, có hai phương án. Phương án 1: Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Phương án 2: Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu bảo hiểm xã hội và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Tôi đồng tình với phương án 1, tính cả phần thu và phần chi, phương án này tiết giảm nhất."
Tuy nhiên, đại biểu Lê Kim Toàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng cả hai phương án về cơ bản đều trích từ tiền đóng của người tham gia và phần từ phần lời của đầu tư từ quỹ để chi trả phí quản lý quỹ. Theo đại biểu Toàn, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ an sinh nên Nhà nước cần cân đối một phần ngân sách cho công tác quản lý quỹ để giảm tỷ lệ trích phần trăm từ tiền đóng bảo hiểm và tăng tỷ lệ từ tiền sinh lời dành cho vấn đề này.
“Chi của Nhà nước là trách nhiệm của Nhà nước cho an sinh xã hội. Tăng tỷ lệ phần trăm của tiền sinh lời từ đầu tư quỹ cho công tác quản lý quỹ là tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ. Nên hạn chế tối đa trich từ tiền của người lao động và người sử dụng lao động cho công tác quản lý quỹ,” đại biểu Kim Toàn nói./.