81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: Khúc tráng ca máu và hoa
Tháng 4 nắng vàng rực rỡ, trong khuôn viên Thành cổ Quảng Trị, tiếng ve kêu râm ran không dứt. Những vết đạn vẫn còn loang lổ trên những tường đá nhuốm thời gian, nơi từng chứng kiến 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa 1972.
Nơi đây, từng viên gạch, từng tấc đất đều có phần máu thịt của những người lính tuổi mười tám, đôi mươi. Họ ngã xuống, để đất nước đứng lên.
Đã 50 năm đất nước thống nhất, những ngọn rêu xanh phủ kín vết đạn loang lổ trên những bức tường Thành cổ. Những ngày tháng 4 lịch sử, Thành cổ Quảng Trị nhắc nhớ bao thế hệ tìm về. Sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mãi mãi là ký ức bi tráng không thể nào quên của những người từng chiến đấu tại Quảng Trị năm ấy. Tháng 4 này, những cựu chiến binh khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm về chiến trường xưa, trong đó, có nhiều cán bộ, chiến sĩ từng là người lính K3- Tam Đảo năm xưa. Họ là những người cuối cùng rút khỏi Thành cổ.

Bến thả hoa trên sông Thạch Hãn, phía sau là Thành cổ Quảng Trị.
Nơi máu và hoa viết nên 81 ngày đêm bất tử
Ngày đó, những chiến sĩ Thành cổ tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi. Họ là những sinh viên tạm gác bút nghiên để lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Mùa hè năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt. Thành cổ Quảng Trị – một pháo đài hơn 180 năm tuổi – bỗng trở thành tâm điểm giao tranh giữa quân Giải phóng và lực lượng quân đội Sài Gòn do Mỹ hậu thuẫn. Suốt 81 ngày đêm, nơi đây trở thành chiến trường đẫm máu, mỗi mét vuông đất hứng chịu hàng ngàn quả pháo, không một cành cây, ngọn cỏ nào có thể sống được. Quân ta kiên cường trụ vững suốt 81 ngày, đêm làm thất bại ý đồ tái chiếm toàn bộ Quảng Trị của địch, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở đường cho Hiệp định Paris năm 1973.
Trong 81 ngày đêm ấy, mỗi ngày có 1 đại đội bơi qua sông Thạch Hãn và mỗi ngày có 1 đại đội không quay về nữa. Lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên! Hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc nằm xuống, xương máu của các anh đã quyện vào đất thiêng Thành cổ, hòa vào đáy sông Thạch Hãn để ngàn đời sau vẫn mãi khắc ghi.

Dòng người vào dâng hương viếng anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm trong khuôn viên Thành cổ Quảng Trị.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 mang đậm dấu ấn của Tiểu đoàn K3- Tam Đảo, đơn vị đã có lời thề quyết tử: "K3- Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”. Và những người lính của K3- Tam Đảo là những người cuối cùng rời chiến trường Thành cổ năm đó. Ngày 16/9/1972, Tiểu đoàn K3- Tam Đảo chỉ còn lại hơn 10 cán bộ, chiến sĩ và cũng là lúc nhận được lệnh rời khỏi Thành cổ, kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Anh hùng Lực lượng vũ trang- Đại tá Hán Duy Long, quê xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nhắc lại những câu chuyện về tháng ngày hào hùng. Ông Long vào chiến trường Thành cổ Quảng Trị khi vừa 18 tuổi đã bắn liên tiếp 9 quả đạn B40 và 1 quả đạn B41 để bảo vệ chốt ở phía Đông Nam thành Quảng Trị. Khi tiếng súng B40 tắt ngấm, địch tháo chạy, ông Long cũng lịm đi. Một người lính bình thường bắn được 3 hay 4 quả B40 đã ù tai, chóng mặt, thế nhưng ông Long đã viết lên kỳ tích khi bắn liên tiếp 9 quả đạn, đẩy lùi thế tấn công của địch.

Một góc Thành cổ Quảng Trị.
Nhớ lại những hình ảnh khốc liệt về Thành cổ Quảng Trị, nhớ những đồng đội đã gắn bó với ông trong 81 ngày đêm khói lửa năm nào, cựu chiến binh Hán Duy Long bỗng lặng trong giây phút: “Là những người bám trụ trong 81 ngày đêm, quyết tâm thực hiện lời hứa với Tư lệnh mặt trận là K3- Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn. Trong những trận chiến như thế, có những điều không thể cũng trở thành điều có thể bởi khát khao đất nước được độc lập, tạo ra cho mình có được niềm tin, sức mạnh. Bây giờ, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi dòng sông, tấc đất đều thấm đẫm máu của đồng đội chúng tôi.”
Trước sự khốc liệt của chiến trường Thành cổ Quảng Trị, người lính bảo vệ Thành Cổ cũng dự cảm được sự hy sinh của mình. Trong bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hôm nay, có một bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình để lại. Bức thư như là bản “di chúc” của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa. Trong thư, ông linh tính được mình sẽ hy sinh, viết sẵn lá thư gửi về gia đình nói rõ nơi chôn cất. Trong bức thư này, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh không hề nhắc đến một từ “hy sinh”, ông xem điều đó như một lẽ tự nhiên nơi chiến trường khốc liệt này.

Thị xã Quảng Trị hôm nay
Từ tro tàn chiến tranh đến miền đất khát vọng hòa bình
Hòa bình lập lại, khi những mái nhà ngói đỏ tươi, tường xây vữa mới mọc lên trên nền đổ nát hoang tàn của Thành cổ Quảng Trị, người dân ven sông Thạch Hãn bỗng thấy những nhành hoa trôi lững lờ trên mặt nước. Đó là câu chuyện xảy ra vào một buổi chiều tháng 4 năm 1987, cán bộ, nhân dân ra chợ thị xã Quảng Trị để mua hoa thắp hương tri ân liệt sĩ. Nhưng bà con ở chợ nói rằng, hoa đã được một người đàn ông mua hết mang ra bờ sông Thạch Hãn rồi. Người mua hết hoa ở chợ chính là cựu chiến binh Lê Bá Dương, sống tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từng tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị. Với ông Lê Bá Dương, nỗi nhớ đồng đội vẫn không nguôi, mỗi khi về thị xã Quảng Trị , ông vẫn day dứt vì đồng đội ông nhiều người còn nằm lại dưới lòng sông, thân xác hóa thành sóng nước.
Cựu chiến binh Lê Bá Dương tâm sự, ban đầu ông chỉ hái hoa dại, hoa rừng thả xuống dòng Thạch Hãn. Đến năm 1987, về lại Quảng Trị, ông vào chợ mua hoa rồi thuê thuyền lênh đênh trên dòng Thạch Hãn gần một buổi thả hoa trên sông mà nước mắt nhạt nhòa. "Mình đang đứng hút thuốc bên bờ sông, chợt nghĩ ra rồi bẻ những cọng sậy bó lại thành 4, 5 bó kết thành cái bè, sau đó lấy hoa dại, hoa rừng cắm lên đó. Rồi lấy bè hoa đó mình cắm thêm mấy điếu thuốc làm hương thả trên sông gửi cho anh em. Một tâm nguyện đó thì nhiều người nối tiếp câu chuyện của mình, nối tiếp đến năm 2000 thì được nâng lên thành lễ hội thả hoa”- cựu chiến binh Lê Bá Dương nói.

Thị xã Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn.
Từ câu chuyện của cựu chiến binh Lê Bá Dương thả hoa trên sông, gửi gắm tâm nguyện của mình đến đồng đội đã hy sinh, mỗi dịp lễ, nhân dân thị xã Quảng Trị cũng đến thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ. Nhiều gia đình sống trên đất Thành cổ Quảng Trị đã tự trồng những vườn hoa, đến rằm hoặc dịp lễ lại đến dâng hoa, viếng các liệt sĩ. Một điều đặc biệt ở thị xã Quảng Trị hôm nay đó là, mỗi gia đình đều có 1 bàn thờ vọng ở ngoài trời để thắp hương dịp mồng 1, ngày rằm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ còn nằm lại trên đất Thành cổ, tưởng nhớ những người dân đã thiệt mạng vì bom đạn. Thậm chí, mỗi lần nhà ai có đám giỗ, gia chủ đều làm mâm cơm nhỏ đặt lên bàn thờ vọng đó rồi thắp hương mời các anh hùng liệt sĩ về dự.
Mảnh đất Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của chiến tranh Việt Nam, từng chứng kiến sự khốc liệt của bom cày đạn xới, chịu đựng nhiều hy sinh mất mát. Vậy nên, hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng của người dân tỉnh Quảng Trị cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Ngày 16/9/1989, thị xã Quảng Trị được lập lại theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ. Sự kiện này đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, trở thành dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho thị xã vững bước đi lên. Nhân dân thị xã Quảng Trị đã khắc phục khó khăn, nỗ lực không ngừng “lấp đầy” những hố bom, lỗ đạn bằng sự phát triển của đô thị.
Thành tựu nổi bật sau hơn 35 năm tái lập, thị xã Quảng Trị từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn và lạc hậu, đến nay, thị xã phát triển toàn diện và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 12,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh Quảng Trị.
Đi lên từ đổ nát chiến tranh, thị xã Quảng Trị ngày nay đã trở thành đô thị trung tâm phía Nam của tỉnh Quảng Trị. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị quyết tâm xây dựng thị xã này thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh, phát triển thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái, hướng đến đô thị vì hòa bình.
Khát vọng hòa bình cũng chính là tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh đang nằm trong lòng đất mẹ Quảng Trị. 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng mảnh đất này trở thành biểu tượng hòa bình và khát vọng vươn lên.