85.000 công nhân sắp đình công, toàn bộ cảng biển bờ Đông nước Mỹ nguy cơ tê liệt
Ngày 30/9, Nghiệp đoàn Công nhân Cảng biển Quốc tế (ILA) tuyên bố sẽ đình công trên khắp các cảng thuộc bờ biển phía Đông và Vịnh Mexico kể từ nửa đêm ngày 1/10 (giờ địa phương).
85.000 công nhân đình công
Theo tuyên bố của Hiệp hội Công nhân Cảng biển Quốc tế (ILA) đại diện cho công nhân cảng biển, hợp đồng lao động giữa công đoàn ILA và Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) đại diện cho nhóm sử dụng lao động sẽ hết hạn vào cuối ngày 30/9.
Kể từ 0h01 ngày 1/10, 85.000 thành viên của ILA tại khắp các cảng biển thuộc bờ Đông và Vịnh Mexico (toàn bộ phía Đại Tây Dương) sẽ chính thức đình công.
"Liên minh Hàng hải Hoa Kỳ (USMX) từ chối giải quyết vấn đề tiền lương. Trong suốt nửa thế kỷ qua, lợi nhuận của các hãng tàu biển tăng vọt hàng tỷ USD, trong khi tiền lương công nhân vẫn "dậm chân tại chỗ", đại diện ILA tuyên bố khi các cuộc đàm phán về tiền lương vẫn bế tắc.
Hiện USMX chưa đưa ra bình luận. Trong khi đó, các nguồn tin của Reuters khẳng định các bên không có kế hoạch tổ chức bất cứ cuộc đàm phán nào cho đến thời điểm hợp đồng lao động kết thúc.
Trước đó, USMX đã đề nghị tăng lương tới 40% trong hợp đồng kéo dài 6 năm. Tuy nhiên, ILA yêu cầu mỗi năm phải tăng lương 5 USD/giờ, tổng cộng mức lương tăng 77% trong suốt thời hạn của hợp đồng kéo dài 6 năm.
Thiệt hại 5 tỷ USD/ngày
Theo hãng tin Reuters, nếu xảy ra, đây sẽ là cuộc đình công đầu tiên của ILA diễn ra trên phạm vi toàn bộ bờ biển phía Đông nước Mỹ, ảnh hưởng đến 36 cảng biển quan trọng xử lý hơn 50% lượng hàng hóa vận chuyển qua đường biển của nước Mỹ, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD (khoảng 123.000 tỷ đồng) mỗi ngày.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng Mỹ, cảng biển bờ Đông xử lý tới 90% lượng hàng hóa anh đào, 82% lượng ớt, 80% lượng socola và 80% lượng bia rượu nhập khẩu. Trong khi đó một số cảng biển bờ Đông như cảng Baltimore (Maryland) hay cảng Charleston (Nam Carolina) là trung tâm xuất, nhập khẩu ô tô lớn nhất toàn quốc.
Do đó nếu xảy ra đình công, chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng sẽ bị gián đoạn, gây thiếu hụt hàng hóa, đẩy giá các mặt hàng lên cao, nhất là hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà máy đối mặt với nguy cơ khan hiếm phụ kiện, nguyên vật liệu, khiến vấn đề lạm phát và thiếu việc làm càng thêm nghiêm trọng.
Theo quan chức Liên đoàn Các nhà bán lẻ Mỹ, cứ mỗi 1 ngày đình công tại các cảng biển bờ Đông sẽ phải mất tới 3-5 ngày để phục hồi.
Tuần qua, hơn 200 nhóm doanh nghiệp đã gửi thư tới Nhà Trắng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden hành động để ngăn chặn cuộc đình công, khẳng định nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào xuất nhập khẩu tại các cảng biển bờ Đông.
Bà Robyn Patterson, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết suốt những ngày qua, các quan chức cấp cao đã trực tiếp liên lạc, thúc giục cả ILA và USMX cố gắng đạt được một thỏa thuận công bằng trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong khi đó vào ngày 29/9, Tổng thống Joe Biden cho biết, ông không có ý định can thiệp để ngăn chặn nguy cơ xảy ra đình công quy mô lớn tại các cảng biển bờ Đông theo Đạo luật Quan hệ Quản lý Lao động (Taft-Hartley).
Đạo luật Taft-Hartley cho phép Tổng thống Mỹ can thiệp vào các tranh chấp lao động có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia bằng cách áp dụng khoảng thời gian 80 ngày xoa dịu căng thẳng giữa các bên để ký kết thỏa thuận, buộc người lao động quay trở lại làm việc.