9 cách tự nhiên giúp trẻ giảm ho, sổ mũi hạn chế dùng thuốc
Thời tiết chuyển mùa khiến tình trạng viêm đường hô hấp do virus, vi khuẩn, cảm lạnh ở trẻ tăng cao, trong đó triệu chứng ho và sổ mũi ở trẻ thường kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và việc học tập trẻ em.
Khi trẻ mắc chứng ho, nhất là vào ban đêm, có thể gây bực bội cho cả trẻ và cha mẹ hoặc người chăm sóc. Ho làm cho trẻ khó ngủ, khó nghỉ ngơi và khó tập trung. Ho khan cũng có thể gây nôn trớ ở trẻ.
Có một số biện pháp tự nhiên khắc phục ho đơn giản, an toàn và hiệu quả cho trẻ, cha mẹ có thể tìm hiểu và áp dụng.
Các biện pháp tự nhiên giúp giảm ho ở trẻ
1. Uống ngậm mật ong
Mật ong là một trong những biện pháp chữa ho thay thế tốt nhất cho trẻ lớn. Vì mật ong là một phương thuốc tự nhiên, hiếm khi có tác dụng phụ để lo lắng. Nghiên cứu chỉ ra rằng mật ong có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và chống nấm. Nửa muỗng cà phê mật ong dùng ngay trước khi đi ngủ sẽ có tác dụng kỳ diệu cho trẻ. Ở trẻ lớn, cha mẹ có thể trộn nửa muỗng cà phê mật ong với một ít nước chanh.
Nếu trẻ đủ tuổi để hiểu, cha mẹ có thể cho trẻ uống nước dung dịch gồm một muỗng canh mật ong với nước ấm. Tuy nhiên, tránh dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc botulism - độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum. Trường hợp này tuy ít xảy ra nhưng nếu nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây tử vong cho trẻ.
2. Nhỏ mũi nước muối sinh lý
Đối với trẻ nhỏ, không có khuyến cáo sử dụng mật ong trước 01 tuổi, chính việc sử dụng vài giọt nước muối sinh lý nhỏ mũi cho lứa tuổi này giúp giảm ho hiệu quả. Nếu mũi của trẻ tắc nghẽn và khó thở, nhỏ mũi vài giọt dung dịch muối sinh lý có thể là phương thuốc giảm ho cho trẻ vào ban đêm. Sau khi sử dụng nước muối, dùng một ống hút sẽ giúp cha mẹ hút chất nhầy từ mũi của trẻ ra ngoài.
3. Bù đủ nước và chất lỏng
Khi trẻ bị cảm mạo hay cảm lạnh, hãy tăng dùng lượng chất lỏng để giúp giảm bệnh nhanh. Nước trái cây và sữa đều có ích. Nếu vào mùa lạnh, cho trẻ dùng chất lỏng và nước ấm như súp gà, uống sữa ấm hoặc nước táo ấm. Đối với trẻ sơ sinh không được cai sữa, sữa mẹ giúp cung cấp chất lỏng cần thiết. Đối với trẻ nhỏ, chỉ tăng số lần cho ăn, dùng nhiều chất lỏng, đặc biệt là đồ uống ấm, sẽ giúp giảm bớt chất nhờn và dễ tống xuất chất nhờn ra khỏi đường thở.
4. Hút ẩm trong phòng ngủ của trẻ
Phòng ngủ của trẻ ẩm nhiều làm phát sinh nấm mốc, nơi trú ngụ thuận lợi virus và vi khuẩn dễ gây viêm hô hấp và gây ho kéo dài ở trẻ. Sử dụng máy hút ẩm trong phòng ngủ những ngày lạnh ẩm nhiều, làm phòng khô ráo và ấm hơn. Chạy máy hút ẩm vào ban đêm như một phần của biện pháp khắc phục chứng ho cho trẻ vào ban đêm.
5. Tắm hơi nóng nếu có thể
Cha mẹ có thể dễ dàng biến phòng tắm thành phòng xông hơi nước bằng cách tắm nước nóng trong khi vẫn đóng cửa trong 15 phút. Phương pháp chữa nghẹt mũi này được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo cho thấy hiệu quả và dễ làm ở trẻ lớn.
6. Dùng nước muối súc họng miệng
Nếu trẻ đủ lớn để hợp tác súc miệng, hãy cho trẻ dùng nước mặn ấm và súc họng miệng. Súc miệng nước muối là một biện pháp khắc phục ho và đau họng hiệu quả ở trẻ. Một muỗng cà phê muối trộn trong nước ấm cho trẻ súc miệng thường xuyên hàng ngày.
7. Sử dụng ống hút để hút nước mũi
Như đã đề cập trước đó, dùng ống hút mũi sau khi sử dụng dung dịch muối sinh lý nhỏ mũi để làm giảm chất nhầy và làm sạch đường thở mũi. Sử dụng ống hút mũi là cách tốt nhất cho trẻ em dưới 06 tháng tuổi. Bóp một ống hút và nhẹ nhàng nhả tay ra khi đặt nhẹ vào một lỗ mũi, làm lặp lại cho đến khi chất nhầy được làm sạch khỏi mũi.
8. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ
Chứng ho của trẻ có thể là do bụi và chất bẩn trong nhà gây ra. Cha mẹ cần biết điều này và nên làm vệ sinh kỹ lưỡng trong khu vực trẻ ngủ. Làm sạch bụi và làm sạch bề mặt các đồ vật để loại bỏ bụi là một biện pháp chữa ho cần thiết cho trẻ. Cha mẹ cũng có thể sử dụng các máy lọc sạch không khí để giúp loại bỏ bụi ngay cả bụi nhỏ PM 2.5 hoặc bất kỳ chất gây dị ứng khác trong phòng của trẻ.
9. Nếu muốn dùng siro ho, chỉ nên dùng siro có chứa các thảo dược thiên nhiên
Cha mẹ cũng có thể dùng siro ho cho trẻ, nhưng khuyến cáo chỉ nên dùng các loại siro ho chứa chất chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên có nguồn gốc xuất xứ tin cậy và nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng cho trẻ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ho sổ mũi là triệu chứng của nhiều bệnh, nhưng hãy tìm trợ giúp y tế trong các trường hợp sau đây:
-Trẻ ho kéo dài hơn 3 ngày, nhất là ho nhiều về đêm làm trẻ mất ngủ
-Trẻ bắt đầu ho ra đờm chuyển màu
-Trẻ ho, kèm sốt cao trên 38,5 độ C và kém đáp ứng thuốc hạ sốt, đặc biệt nếu trẻ nhỏ hơn 6 tháng
-Trẻ ho và thở khò khè khi thở ra
-Trẻ ho và thở tạo ra âm thanh ồn ào hoặc phát ra âm thanh rít lên khi hít vào, đặc biệt nếu trẻ dưới 03 tháng.