9 doanh nghiệp xe buýt 'kêu cứu'
Các doanh nghiệp vận tải cho rằng mức trợ giá xe buýt hiện nay không thỏa đáng, không đủ chi phí tối thiểu cho xe buýt hoạt động.
Chín doanh nghiệp (DN) vận tải xe buýt ở TP.HCM vừa đồng ký đơn gửi chủ tịch UBND TP.HCM, chủ tịch HĐND TP.HCM cùng lãnh đạo Sở GTVT, Sở Tài chính, Liên minh HTX TP.HCM kiến nghị xem xét, bổ sung kinh phí trợ giá cho xe buýt năm 2019.
Nhiều tuyến xe buýt ngưng hoạt động
Trong đơn gửi, các DN vận tải cho rằng mức trợ giá xe buýt hiện nay không thỏa đáng, không đủ chi phí tối thiểu cho xe buýt hoạt động.
Các DN vận tải đã có kiến nghị điều chỉnh mức trợ giá nhưng thời gian kiến nghị kéo dài dẫn đến nhiều tuyến xe buýt hoạt động mất ổn định do không cân đối được thu chi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ và sụt giảm lượng hành khách đi trên các tuyến xe buýt. Hệ quả là nhiều tuyến xe buýt không thể duy trì, đã phải ngưng hoạt động như các tuyến 40, 37, 60, 95, 149.
Năm 2019, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở GTVT TP.HCM) xây dựng dự toán trợ giá trên 1.000 tỉ đồng, trong đó dự toán dành cho 100 tuyến xe buýt có trợ giá là 892,9 tỉ đồng cùng với dự kiến nguồn thu tăng thêm từ việc điều chỉnh giá vé xe buýt. Theo tính toán của trung tâm, năm 2019 tăng khoảng 91 tỉ đồng từ việc tăng giá vé cho cả hệ thống với điều kiện lượng hành khách không giảm so với năm 2018.
Tuy nhiên, theo các DN vận tải, việc tăng trưởng mà trung tâm đưa ra là bất hợp lý, không có tuyến xe buýt nào có thể thực hiện được. Cụ thể, mức tăng trưởng kỳ vọng của trung tâm là 10,67%, bên cạnh đó trung tâm tiếp tục khoán thêm doanh thu cho 100 tuyến xe buýt là 18,72%. Trong khi đó, các đơn vị vận tải đang phải vay mượn tiền để gồng mình duy trì hoạt động bởi lượng hành khách đi lại đang giảm hơn 14,8%, tiền bán vé tăng thêm từ việc tăng giá không đủ bù cho việc kéo giảm trợ giá trên mỗi tuyến.
Kiến nghị đơn giá mới
Qua văn bản này, các DN vận tải kiến nghị đến các cấp lãnh đạo TP xem xét, nhanh chóng giải quyết một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xe buýt đang rơi vào tình trạng bế tắc.
Theo đó, các DN vận tải xe buýt kiến nghị UBND TP nhanh chóng ban hành bộ đơn giá chi phí mới cho xe buýt và được áp dụng từ 1-1-2019, thay thế bộ đơn giá từ năm 2012 không còn phù hợp, qua đó bổ sung kinh phí trợ giá cho xe buýt duy trì hoạt động.
Kiến nghị UBND TP sớm có cơ chế, chính sách cấp bù chênh lệch giá nhiên liệu CNG (nhiên liệu sạch), như bù chênh lệch giá nhiên liệu diesel vì Công ty PV Gas (đơn vị cung cấp CNG) liên tục đòi tăng giá nhiên liệu CNG lên 15,8%.
9 DN vận tải cùng kiến nghị gồm: Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM, HTX Vận tải 19-5, HTX Vận tải xe buýt và Du lịch Quyết Tiến, HTX Vận tải số 28, Công ty CP Vận tải TP.HCM, HTX Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng, HTX Vận tải số 15, HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng, HTX Vận tải số 26.
Đối với các tuyến xe buýt không hiệu quả, ít khách, đề nghị cho cắt giảm chuyến hoặc ngưng hoạt động để giảm lỗ, tiết kiệm ngân sách cho những tuyến hiệu quả hơn.
Đối với những tuyến xe buýt cũ, chưa đầu tư mới và không đầu tư mới được vì không có hiệu quả, các DN đề nghị được trả lại luồng tuyến cho TP, vì nếu chạy không hiệu quả mà bỏ tuyến lại bị phạt. Cụ thể là các tuyến số 6, 14, 47, 56, 66, 94, 145… Các tuyến xe buýt đề nghị được giảm chuyến để giảm lỗ: 13, 15, 16, 48, 57, 61, 73, 144, 151.
Ngày 2-7, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết Sở mới nhận được đơn của chín DN vận tải xe buýt. “Hiện Sở giao cho Phòng quản lý dịch vụ vận tải tham mưu xem xét, giải quyết đơn của chín đơn vị này” - ông Hưng nói.
Cùng ngày, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng quản lý dịch vụ vận tải, cho biết hiện định mức trợ giá xe buýt thì TP vẫn duy trì 1.000 tỉ đồng/năm, trong đó có 70 tỉ đồng dự phòng để bù giá cho chênh lệch nhiên liệu. “Còn đề xuất đơn giá chi phí mới Sở đã kiến nghị UBND TP từ 1-1-2019 để áp dụng cho năm 2019 hiện chưa được phê duyệt. Hiện Sở đang nghiên cứu cơ chế để đảm bảo cho các đơn vị vận tải hoạt động hiệu quả” - ông Hải cho biết.
Sẽ có đơn giá chi phí mới
Ngày 2-7, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết trung tâm đã nhận được đơn kiến nghị này. Theo ông Trung, về mức tăng trưởng kỳ vọng mà trung tâm đưa ra là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách giao. “Để giải quyết kiến nghị, đảm bảo hoạt động kinh doanh các tuyến buýt có hiệu quả thì TP cần ban hành đơn giá chi phí mới. Sở GTVT đã trình UBND TP phê duyệt đơn giá chi phí mới và đang chờ. Sau khi ban hành đơn giá chi phí mới thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết” - ông Trung khẳng định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/9-doanh-nghiep-xe-buyt-keu-cuu-843731.html