9 giải pháp hướng đến 'già hóa tích cực' ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tốc độ già hóa dân số nhanh và điều này đã tạo ra những thách thức to lớn trong ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nếu có những giải pháp phù hợp, kịp thời, chúng ta sẽ biến thách thức thành cơ hội.

 Đẩy mạnh các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều quan trọng để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều quan trọng để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích. Ảnh minh họa

Già hóa dân số và một số vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi

Theo số liệu Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu NCT, chiếm khoảng 11,86% dân số. Từ năm 1989 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi (trên thế giới trung bình là 72 tuổi). Dự báo đến năm 2030, số NCT ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số. Đáng chú ý là có sự khác biệt khá rõ nét giữa tuổi thọ trung bình của NCT nam giới và nữ giới, trong đó nam giới là 71,0 tuổi và nữ giới là 76,3 tuổi.

Việt Nam đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT. Tuy nhiên, hệ thống chính sách an sinh xã hội mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận NCT. Hiện cả nước mới có khoảng 39% NCT được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.

Trong tổng số gần 11,4 triệu NCT thì chỉ có 3,1 triệu người có lương hưu, như vậy, hơn 8 triệu NCT không có nguồn thu nhập ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng và xã hội. Hệ thống chính sách an sinh xã hội chưa thực sự hướng đến việc khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ NCT bảo đảm thu nhập, có việc làm phù hợp, học tập, giải trí, rèn luyện sức khỏe, một môi trường thân thiện...

Trong khi đó, một số nghiên cứu khoa học gần đây cho biết, tỷ lệ NCT ở nước ta đang tiếp tục làm việc và có nhu cầu làm việc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, phần lớn NCT là đối tượng lao động tự làm hoặc lao động gia đình không được trả lương, trong khi tỷ lệ lao động làm công ăn lương thấp. Họ tham gia lao động với vị thế của lao động dễ bị tổn thương (lao động tự làm và lao động gia đình).

Mặc dù Luật Người cao tuổi đã có một chương quy định về phát huy vai trò của NCT trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng các quy định này chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, phần đông NCT ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ pháp lý cho NCT.

Một số giải pháp hướng đến "già hóa tích cực"

Để góp phần hướng đến "già hóa tích cực", nâng cao chất lượng sống, sự hài lòng, cũng như vị thế, vai trò xã hội của NCT trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và hệ thống xã hội cần đồng hành thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, nghiên cứu, sửa đổi, đồng bộ hóa các quy định giữa Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi..., xây dựng và thông qua Luật Công tác xã hội. Đưa chỉ tiêu ứng phó với già hóa dân số là chỉ tiêu trong nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Xây dựng đồng bộ Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT trong tổng thể của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược gia đình Việt Nam đến năm 2030. Điều chỉnh và kết nối Đề án "Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025" với Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia về Bảo vệ, Chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cần phải xây dựng những chính sách phù hợp cho người cao tuổi để biến thách thức già hóa dân số thành cơ hội. Ảnh Xuân Tuấn

Cần phải xây dựng những chính sách phù hợp cho người cao tuổi để biến thách thức già hóa dân số thành cơ hội. Ảnh Xuân Tuấn

Trong đó, cần tập trung thực hiện Đề án ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ NCT cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; NCT có hoàn cảnh khó khăn. Giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm bảo đảm và cải thiện thu nhập của NCT từ lao động và hưu trí.

Hai là, thống nhất cách tiếp cận về già hóa dân số trong các nghiên cứu và xây dựng, quy hoạch chính sách dân số và phát triển, bao gồm: Thực hiện các chương trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về NCT và tác động của các chính sách hiện hành đến đời sống của NCT để có cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung và thực thi chính sách được tốt, sát thực tiễn.

Các nghiên cứu về NCT cần toàn diện, không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà cần bao hàm nhiều khía cạnh khác. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các nghiên cứu toàn diện về dân số cao tuổi.

Khuyến khích NCT tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; giảm thiểu thất nghiệp, góp phần giảm tỷ số phụ thuộc chung bao gồm cả phụ thuộc già; đổi mới trong xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút hiệu quả lực lượng lao động trong độ tuổi nghỉ hưu…

Ba là, có chiến lược hướng đến tạo môi trường sống thân thiện với NCT trong toàn bộ xã hội, bao gồm cả thiết kế kết cấu hạ tầng và nhà ở phù hợp cũng như chi phí nhà ở, đi lại phù hợp với nhu cầu của NCT, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thể chất và xã hội của NCT. Tiếp cận với môi trường thể chất như vui chơi, thăm bạn bè, hàng xóm, tiếp cận không gian công cộng bên ngoài.

Các địa phương cần lồng ghép yếu tố tuổi già vào tạo môi trường cho các hoạt động thể chất và xã hội cho tuổi già tích cực. Tích hợp các tiêu chí môi trường thân thiện với NCT vào các chương trình thành phố thông minh và các chương trình nông thôn mới.

Bốn là, chú trọng phát triển các chính sách tạo việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập cho NCT. Thực tế, có nhiều trường hợp NCT, đặc biệt là trong độ tuổi từ 60 đến 75 tuổi, vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

Các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho NCT cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ, bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng. Có chiến lược quan tâm giải quyết việc làm cho NCT phù hợp với nhu cầu, sức khỏe và tuổi tác.

Nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ sinh kế phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, tuổi tác của NCT để giúp họ vừa làm chủ được tài chính, vừa giảm được thời gian nghỉ ngơi ít vận động, từ đó làm tăng sự hài lòng của họ đối với cuộc sống.

Năm là, hướng đến chiến lược chuẩn bị đầy đủ tài chính và sức khỏe cho tuổi già "từ xa, từ sớm". Cần tăng cường vận động nhóm dân số trẻ đang hoạt động kinh tế tham gia bảo hiểm xã hội để chuẩn bị cho tuổi già đầy đủ hơn vì sẽ có lương hưu, không phải tất bật kiếm tiền và hài lòng với cuộc sống hơn.

Cần có nhiều biện pháp để cải thiện cuộc sống cho cả người trong độ tuổi và hết tuổi lao động, đặc biệt là những người thuộc nghèo, giúp họ có cuộc sống tốt hơn nhằm chuẩn bị cho tuổi già tích cực trong bối cảnh cấu trúc tuổi dân số của Việt Nam đã và đang diễn ra theo xu hướng già hóa ngày càng nhanh ở hiện tại và tương lai. Tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ cần có lối sống lành mạnh, quan tâm nhiều đến sức khỏe để chuẩn bị cho tuổi già khỏe mạnh.

Sáu là, tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận, đồng bộ trong chăm sóc và phát huy vai trò của NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT.

Nâng cao ý thức và hiểu biết của các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như của toàn bộ cộng đồng về những thách thức của già hóa dân số với đời sống của NCT nói riêng và toàn xã hội nói chung. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò, kinh nghiệm của NCT, thực hiện chăm sóc NCT.

Cần thay đổi các khuôn mẫu tiêu cực về NCT. Thay đổi quan niệm nhận thức "NCT là gánh nặng" sang thành "tài sản" của gia đình và xã hội, chú ý tuyên truyền, khẳng định các quyền, vai trò và trách nhiệm của NCT đối với xã hội.

Bảy là, tăng cường xây dựng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc NCT với sự tham gia tích cực, chủ động của mọi chủ thể và thành phần xã hội và nâng cao năng lực quốc gia về chăm sóc NCT.

Bảo đảm tất cả NCT được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu, có thu nhập tối thiểu thông qua hệ thống an sinh xã hội quốc gia và các đầu tư xã hội khác. Các hoạt động này cần được dựa trên một tầm nhìn dài hạn, được hỗ trợ bởi các cam kết chính trị mạnh mẽ và một nguồn có ngân sách bảo đảm.

Tám là, tăng cường vai trò và năng lực của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các loại hình câu lạc bộ dành cho NCT trong việc xây dựng, vận động và thực hiện chính sách cho già hóa dân số và NCT.

Các hoạt động vận động gia đình, cộng đồng và toàn xã hội tham gia chăm sóc NCT cần được thúc đẩy và nhân rộng; cần kết hợp với các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu và đề xuất việc đa dạng hóa cách thức, mô hình tổ chức cuộc sống cho NCT như sống cùng con cháu, sống tại nhà dưỡng lão hoặc tại các cơ sở chăm sóc NCT tại cộng đồng... Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên quy mô cả nước, góp phần chăm sóc và phát huy vai trò của NCT, trong gia đình và xã hội...

Chín là, để hướng đến già hóa tích cực cho NCT không thể không tính đến việc duy trì, mở rộng và phát triển các mối liên hệ, kết nối giữa các thế hệ trong gia đình và giao lưu xã hội. Do đó, hỗ trợ các biện pháp giúp cho NCT giao lưu trong gia đình và ngoài xã hội là rất cần thiết nhằm giảm bớt sự cô đơn và cải thiện được tình trạng sức khỏe tinh thần của họ.

Cần tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số hướng đến đáp ứng nhu cầu kết nối xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ của NCT.

TS. Đỗ Văn Quân (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/9-giai-phap-huong-den-gia-hoa-tich-cuc-o-viet-nam-20221001101008425.htm