Việt Nam trong xu thế dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu
Theo kế hoạch, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ vào tháng 1/2025. Với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Trump, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ càng mạnh mẽ hơn.
Với sự chuyển giao lịch sử này, ông Trump mang đến cam kết tái thúc đẩy chính sách kinh tế bảo hộ, với trọng tâm là đẩy mạnh làn sóng thuế quan mới nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác, tiếp nối chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” mà ông đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 - 2021).
Chiến lược thuế quan của ông Trump bắt đầu vào năm 2018, với mức thuế 25% áp dụng lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, gây leo thang cuộc chiến thương mại âm ỉ nhiều năm nay với chính quyền Bắc Kinh. Tới đây, thuế suất thuế nhập khẩu của Mỹ có thể được nâng lên từ 10 - 20% đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm thiểu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế .
Không thể bỏ qua những thách thức mà xu hướng bảo hộ thương mại và các chính sách của chính quyền ông Donald Trump sẽ mang lại. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với các quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Tới đây, thuế suất thuế nhập khẩu của Mỹ có thể được nâng lên từ 10 - 20% đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Châu Á phụ thuộc lớn vào thương mại toàn cầu, không chỉ Trung Quốc, mà Singapore, Malaysia và Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nước lo ngại rằng, với quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, các quốc gia và doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại.
Cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gần 70 tỷ USD, hiện nay mức thâm hụt thương mại này còn cao hơn trước, hiện đã đạt 86,2 tỷ USD cho 10 tháng đầu năm nay. So với các tổng thống trước, ông Trump có thể sẽ đối xử khắt khe hơn với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, với một phiên bản “Nước Mỹ trên hết” còn mạnh tay hơn lần trước.
Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có những dịch chuyển nào và lợi thế của Việt Nam nằm ở đâu?
Thuế cao đánh vào hàng hóa Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất về nước, hoặc dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang các nước khác, tạo cơ hội cho Việt Nam. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị khiến chi phí giao dịch và vận chuyển gia tăng, Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) cùng với Ấn Độ đang trở thành những điểm đến thay thế quan trọng. Các nước này không chỉ là thị trường lớn mà còn có chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. Việt Nam đặc biệt hấp dẫn nhờ chi phí lao động còn thấp và chính sách mở, thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tương tự, Ấn Độ có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ và lao động tay nghề cao, đáp ứng tốt các chuỗi giá trị cao trong lĩnh vực điện tử và dịch vụ.
Với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Trump, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ càng mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho Việt Nam. Khi các tập đoàn quốc tế chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế. Những cơ hội lớn bao gồm việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là nếu có thể tham gia vào chuỗi giá trị xanh và bền vững. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận các kỹ năng, phương pháp quản lý tiên tiến và khai thác các cơ hội sản xuất theo tiêu chuẩn chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội?
Theo mô hình Smiling Curve (do ông Stan Shih, Chủ tịch hãng máy tính Acer phát triển năm 1992), các doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở công đoạn lắp ráp (manufacturing) - vốn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Công đoạn này đòi hỏi lao động cường độ cao, tức là vốn trên mỗi lao động thấp. Doanh nghiệp gia công lắp ráp phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe từ nhà cung cấp nguyên liệu và nhà phân phối, thương hiệu, làm suy yếu khả năng đàm phán trong chuỗi giá trị.
Nghịch lý là tỷ trọng xuất khẩu dựa trên gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp Việt đã tăng mạnh những năm qua, từ 3 tỷ USD (21,44% tổng kim ngạch xuất khẩu) năm 2000 lên 171,5 tỷ USD (48,01%) năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 13,51% cho Trung Quốc, 28,96% cho Thái Lan, 34,25% cho Singapore và 26,38% cho Malaysia. Đặc biệt là các nước này đều ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ lắp ráp qua các năm, trái với xu hướng của Việt Nam.
Tỷ trọng xuất khẩu dựa trên gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp Việt đã tăng mạnh những năm qua, từ 3 tỷ USD (21,44% tổng kim ngạch xuất khẩu) năm 2000 lên 171,5 tỷ USD (48,01%) năm 2022.
Vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh, lợi nhuận thấp và khó mở rộng thị trường quốc tế. Hơn nữa, phần lớn nguyên liệu đầu vào đều nhập khẩu, khiến tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trên tổng sản lượng xuất khẩu thấp. Tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 69% năm 2000 xuống còn 52% năm 2020 - một xu hướng không xuất hiện ở các nước ở trình độ phát triển tương đương.
Điều cốt lõi là Việt Nam cần nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp. Đây cũng là khuyến nghị chính sách lâu nay - doanh nghiệp Việt cần tham gia sản xuất các sản phẩm cường độ vốn cao hơn, hoặc tích hợp theo chiều dọc, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cho quốc gia.
Nếu doanh nghiệp không thể tự nâng cấp vị thế, Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp họ tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều quan trọng là nâng cao năng lực quản lý và chất lượng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn và nhà đầu tư. Giải pháp tiếp theo là đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời chuyển mình, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam - vốn có thể được thúc đẩy bởi đường lối đối ngoại của ông Trump - có nguy cơ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng: tỷ trọng của các ngành công nghiệp giá trị thấp sẽ tiếp tục gia tăng.
Hiện tại, các ngành công nghiệp công nghệ thấp chiếm khoảng 65 - 70% trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại Việt Nam, so với mức chỉ 18% trên toàn cầu. Kết quả là, Việt Nam có nguy cơ trở thành một “xưởng lắp ráp” mới của thế giới, thay vì nâng cao vị thế và giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiến thắng của ông Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến tài sản kỹ thuật số?
Với việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, chính quyền mới của ông được dự đoán sẽ mang đến những cách tiếp cận mới mẻ và có thể làm thay đổi sâu sắc bức tranh tài chính kỹ thuật số toàn cầu.
Chính phủ mới được dự đoán sẽ tạo ra một bầu không khí cởi mở hơn với tiền điện tử. Một điểm quan trọng trong tầm nhìn của ông Trump là kế hoạch xây dựng “kho dự trữ Bitcoin” của chính phủ liên bang. Giống như các tài sản truyền thống như vàng, kho dự trữ này sẽ đóng vai trò như một công cụ bảo vệ chống lạm phát và cung cấp một công cụ mới giúp giảm nợ công. Trong vòng 5 năm, chính phủ liên bang sẽ dần dần tích lũy lượng Bitcoin chiếm khoảng 5% tổng cung toàn cầu, tạo điều kiện để Mỹ trở thành một bên tham gia chiến lược trong thị trường tiền điện tử. Ông Trump cũng đề xuất miễn thuế lợi tức vốn cho các giao dịch Bitcoin, điều này có thể kích thích một làn sóng đầu tư mới từ cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Không chỉ dừng lại ở việc tích lũy Bitcoin, ông Trump còn đề xuất giảm bớt vai trò của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) trong việc điều chỉnh thị trường tiền điện tử bằng việc thay thế Chủ tịch SEC Gary Gensler, người đã kiên quyết ủng hộ các quy định nghiêm ngặt hơn về tài sản số. Thay vào đó, quyền giám sát có thể được chuyển sang các cơ quan như Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) nhằm tạo ra một khung pháp lý hỗ trợ tốt hơn cho các công ty và nhà đầu tư blockchain. Điều này nằm trong cam kết của ông Trump nhằm chấm dứt cái mà ông gọi là “chiến dịch chống tiền điện tử”, khuyến khích một môi trường pháp lý thân thiện hơn để ngành công nghiệp này phát triển.
Một điểm nổi bật trong tầm nhìn về tài sản số của ông Trump là sự phản đối mạnh mẽ tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC). Ông Trump đã bày tỏ lo ngại về khả năng giám sát tài chính của chính phủ qua CBDC, điều này có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Với việc tập trung vào các đồng tiền điện tử phi tập trung tư nhân, ông Trump thể hiện sự ưu tiên cho quyền riêng tư của công dân hơn là các đồng tiền số do nhà nước kiểm soát. Điều này đặt Mỹ ở vị thế đối lập với các quốc gia như Trung Quốc, nơi đang dẫn đầu về phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số để tăng cường giám sát tài chính và bảo đảm an ninh kinh tế.
Căng thẳng trong bức tranh tiền điện tử toàn cầu
Lập trường của ông Trump về tiền điện tử có thể gây ra căng thẳng với các quốc gia đang thắt chặt quản lý tiền điện tử. Ví dụ, Liên minh châu Âu gần đây đã thông qua quy định Thị trường Tài sản tiền điện tử (MiCA), đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt cho các nền tảng, nhà phát hành token và các đơn vị giao dịch nhằm giảm thiểu rủi ro trong không gian tiền điện tử, bảo vệ người tiêu dùng và tuân thủ quy định chống rửa tiền (AML). Việc Mỹ nghiêng về hướng thân thiện với tiền điện tử có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi các khu vực có quy định chặt chẽ như EU và Nhật Bản. Vì vậy, các chính sách của ông Trump có thể biến Mỹ thành “thiên đường tiền điện tử” nhưng cũng có nguy cơ tạo ra mâu thuẫn với các quốc gia chọn con đường quản lý nghiêm ngặt, tác động đến quan hệ tài chính xuyên biên giới.
Cam kết của ông Trump trong việc biến Mỹ thành trung tâm khai thác tiền điện tử, như một phần của chiến lược độc lập năng lượng, cũng là một yếu tố đáng chú ý. Chính sách này có thể thu hút các doanh nghiệp từ các quốc gia có hạn chế về năng lượng hoặc áp thuế các-bon đối với hoạt động khai thác tiền điện tử. Tuy nhiên, việc khuyến khích hoạt động này có thể dẫn đến chỉ trích về mặt môi trường, do khai thác Bitcoin là một quá trình tiêu thụ nhiều năng lượng. Điều này có thể gây ra xung đột giữa các mục tiêu kinh tế và các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, cũng như mở rộng khoảng cách chính sách giữa các quốc gia.
Khi thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc quản lý tiền điện tử và tài sản số, nhiệm kỳ của ông Trump có thể tạo ra một hướng đi khác biệt cho Mỹ. Chính sách thân thiện với tiền điện tử của ông Trump có thể thúc đẩy ngành này phát triển trong nước, nhưng cũng có thể gây ra những xung đột chính sách với nhiều quốc gia khác, tạo ra những cơ hội và thách thức mới trên thị trường tài chính toàn cầu.
- PGS.TS Phạm Thị Thu Hà (*): Chủ nhiệm nhóm Bộ môn Kinh tế và Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam
- TS. Nguyễn Tấn Sơn (**): Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kế toán và Luật, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam