9 giống gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan
Theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) hiện có 9 giống gạo thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, đồng thời EU dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm, ngày 4/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.
Nghị định quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU có 3 chương, 15 Điều. Trong đó, Chương I về quy định chung, gồm có 3 Điều (từ Điều 1 đến Điều 3). Chương II quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm có 09 Điều (từ Điều 4 đến Điều 12). Chương III về Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 13 đến Điều 15).
Trong đó, Chương II quy định chi tiết về việc chứng nhận chủng loại gạo thơm; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm.
Cụ thể, Nghị định quy định việc kiểm tra ruộng lúa thơm thực hiện 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói.
Quy định này đảm bảo được độ thuần và tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu xuất gạo thơm sang EU để được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch; phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng ngành lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Chương II cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm, tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng (tổ chức kiểm tra lô ruộng úa thơm), cơ quan chứng nhận chủng loại gạo thơm (Cục Trồng trọt).
Đối với Chương III về Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 13 đến Điều 15). Chương này quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành, cụ thể: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm sang EU, Nghị định đã quy định điều khoản chuyển tiếp (Điều 14): “Gạo thơm được sản xuất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì hồ sơ đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm của tổ chức, cá nhân gồm điểm a, b khoản 1 Điều 7 Nghị định này đến hết ngày 31/12/2020; tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với thông tin khai báo, hồ sơ chứng nhận chủng loại gạo thơm”.
Theo quy định tại Hiệp định EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.
Ngay sau Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, ngày 7/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định về việc chứng nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, hiện nay đã có 3 đơn vị nộp hồ sơ về Bộ, thời gian hoàn thành việc chứng nhận trong vòng 5 ngày. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý, các doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ hành chính công của Bộ NN&PTNT, hoặc gửi qua bưu điện. Việc chứng nhận doanh nghiệp sẽ được hoàn toàn miễn phí. “Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp có gạo thơm trong danh sách trong Hiệp định EVFTA và có đơn hàng xuất khẩu gạo thơm cần khẩn trưởng gửi hồ sơ ra Cục Trồng trọt để chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cho doanh nghiệp để sớm xuất khẩu sang EU”, ông Lê Quốc Doanh nói.
Hiện, tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; so với các nước ASEAN khác xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia. Năm 2019, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 50.000 tấn, trị giá 28,5 triệu Euro.
Với Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn( 2019); 150 Euro/tấn ( 2020) và 125 Euro/tấn ( 2021). Đây là một lợi thế để chúng ta nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt.
Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt- cho hay, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang trồng phổ biến tại sản xuất, đồng thời phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của EU để xuất chỉnh sửa, bổ sung Danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất.