Đường sắt cao tốc: Cơ hội cho sản xuất trong nước

Việt Nam sẽ phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, đồng thời, trong quá trình xây dựng và vận hành phải ưu tiên sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước. Và với việc sử dụng vốn đầu tư công, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ từ việc lựa chọn công nghệ cho tới nhà thầu các hạng mục của công trình vĩ đại này. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để các doanh nghiệp Việt Nam có khát vọng vươn mình, khẳng định giá trị trên tầm quốc tế, với những công trình lớn như đường sắt tốc độ cao, để lại giá trị cho nhiều đời sau.

Với kinh phí đầu tư lên tới 67 tỷ USD, tổng chiều dài tuyến đường là 1.541 km, theo tính toán của các chuyên gia, đường sắt cao tốc có thể sẽ xây dựng tới hơn 70% cầu cạn, hơn 140km hầm xuyên núi và hơn 300km đường bằng, dự kiến sẽ tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm.

Có thể hình dung, các hạng mục mà các doanh nghiệp Việt có thể tham gia bao gồm: Cung ứng sắt thép làm ray, thân vỏ tàu; ngành sản xuất, cung ứng vật liệu như cát, sỏi, đất đá xây dựng; Thiết kế, thi công xây dựng dân dụng; các ngành công nghệ thông tin, điều khiển, tín hiệu…

Để có thể tham gia vào các hạng mục này, hiện tại, các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu khởi động, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhân vật lực. Là top 50 thế giới về sản xuất thép, Hòa Phát cho biết, hoàn toàn ủng hộ yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa của doanh nghiệp trong nước của Chính phủ. Tập đoàn này cũng cam kết sẽ cung cấp đủ 6 triệu tấn thép phục vụ dự án với chất lượng và giá cả cạnh tranh so với thép nhập khẩu.

Không chỉ Hòa Phát, các doanh nghiệp về xây dựng cũng đang đẩy nhanh tiến độ đào tạo, tiếp cận các gói thầu của đường sắt cao tốc. Trong đó, riêng về lĩnh vực xây dựng công trình như nhà ga, hầm xuyên núi, với kinh nghiệm thực hiện các công trình tầm cỡ như đường hầm đèo Cả, tòa nhà Landmark 81… doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng việc thi công công trình.

Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao là một công trình giao thông đặc biệt, vì vậy doanh nghiệp Việt đứng trước rất nhiều những thách thức. Đó là yêu cầu cực kỳ khắt khe về con người, về kỹ thuật, khoa học công nghệ. Do đó, để khẳng định vai trò và vị thế làm chủ, Việt Nam cần đặt ra các yêu cầu cho các đối tác trên thế giới về việc chuyển giao công nghệ.

Đường sắt tốc độ cao không chỉ là công trình đồng hành với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp và người Việt vươn lên vị thế làm chủ, đón nhận và xây dựng các công trình thể hiện khát vọng vươn tầm, và lớn mạnh của cả dân tộc!

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Lan Anh - Tùng Dương - Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/duong-sat-cao-toc-co-hoi-cho-san-xuat-trong-nuoc-243014.htm