9 loại tài sản sẽ được xác lập thuộc sở hữu toàn dân

Tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; tài sản bị tịch thu là một trong những loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2025 (có hiệu lực kể từ ngày 1-4) quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Theo đó, tại Điều 3 của nghị định này đã quy định chín loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm:

1. Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Bất động sản vô chủ: Bất động sản không xác định được chủ sở hữu; Bất động sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

 Các phương tiện vi phạm hành chính được tập trung tại bãi đất trống tại TP Thủ Đức. Ảnh: VÕ THƠ

Các phương tiện vi phạm hành chính được tập trung tại bãi đất trống tại TP Thủ Đức. Ảnh: VÕ THƠ

3. Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên: Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận.

4. Tài sản là di sản không có người thừa kế: Tài sản không có người nhận thừa kế; tài sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế nhưng không có người chiếm hữu...

5. Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ lại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

6. Tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam không thuộc trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e, g, i và k khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

Các trường hợp ngoài trừ có thể lấy ví dụ như: Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, biểu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho doanh nghiệp, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội...

Việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho Nhà nước Việt Nam được thực hiện thông qua bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là bộ, cơ quan trung ương) hoặc chính quyền địa phương.

7. Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc, thời hạn hoạt động.

8. Tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án bằng các hình thức như: BOT, BTO, BTL, BLT.

9. Tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm: Tài sản được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Đối với những loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân này, tùy vào từng loại tài sản thì sẽ có đơn vị chủ trì, quản lý khác nhau.

Ví dụ, đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì đơn vị quản lý là cơ quan trình người/cơ quan của người ra quyết định tịch thu đơn vị chủ trì quản lý tài sản trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định tịch thu.

Sở Tài chính; Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện là các đơn vị chủ trì quản lý đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu đã có quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền.

Riêng đối với vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu là chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thì cơ quan thi hành án là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

Đối với vật chứng vụ án do cơ quan điều tra, VKS ra quyết định tịch thu thì cơ quan, đơn vị đã ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

Đối với bất động sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, di sản không có người thừa kế thì Sở Tài chính nơi có tài sản là đơn vị chủ trì quản lý đối với bất động sản, Phòng Tài chính - Kế hoạch nơi có tài sản là đơn vị chủ trì quản lý đối với động sản; trường hợp một vụ việc bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau (bất động sản và động sản) thì Sở Tài chính nơi có tài sản là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

Đối với tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm thì Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý tài sản...

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/9-loai-tai-san-se-duoc-xac-lap-thuoc-so-huu-toan-dan-post843848.html