9 loại virus trong tinh dịch có khả năng gây đại dịch

Theo CIDRAP - Trung tâm nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm (Đại học Minnesota, Minneapolis) - một đánh giá có hệ thống mới về 373 nghiên cứu cho thấy phát hiện 22 loại virus trong tinh dịch người sau khi nhiễm trùng cấp tính, bao gồm các tác nhân gây bệnh có khả năng gây đại dịch.

9 loại virus trong tinh dịch có bằng chứng lây truyền qua đường tình dục

NỘI DUNG

9 loại virus trong tinh dịch có bằng chứng lây truyền qua đường tình dục

Virus Ebola có thời gian tồn tại lâu nhất

Virus Oropouche trong tinh dịch, các dịch cơ thể khác

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Microbe và cho thấy có 9 trong số 22 loại virus có bằng chứng lây truyền qua đường tình dục.

Các tác giả cho biết sự tồn tại của virus trong tinh dịch có ý nghĩa sâu rộng đối với quá trình truyền bệnh đang diễn ra, sự phát triển của phôi thai và khả năng sinh sản, cũng như sự phát triển của thuốc và vaccine. Tinh dịch có khả năng lây nhiễm cũng góp phần gây ra các đợt bùng phát gần đây của bệnh do virus Zika, bệnh do virus Ebola và mpox.

Trong bài đánh giá này, các tác giả đã xem xét bằng chứng về virus trong tinh dịch cũng như khả năng tồn tại của virus, tức là bao nhiêu ngày sau khi phát bệnh thì virus vẫn có thể sống trong tinh dịch.

Tinh dịch có khả năng lây nhiễm góp phần gây ra các đợt bùng phát của bệnh do virus Zika, bệnh do virus Ebola và mpox. Ảnh: Salah Uddin /istock.

Tinh dịch có khả năng lây nhiễm góp phần gây ra các đợt bùng phát của bệnh do virus Zika, bệnh do virus Ebola và mpox. Ảnh: Salah Uddin /istock.

Ngoài 22 loại virus có trong tinh dịch sau khi nhiễm trùng cấp tính, 3 loại khác gồm virus sốt xuất huyết Crimean-Congo, hantavirus gây sốt xuất huyết với hội chứng thận và virus Heartland được phát hiện ở các bộ phận khác của đường sinh sản nam giới ở người nhưng không có trong tinh dịch.

Virus viêm gan A và virus vaccinia (là một loại virus lớn, phức tạp thuộc họ poxvirus) cho thấy bằng chứng lây truyền qua đường tình dục nhưng không có bằng chứng phát hiện trong tinh dịch hoặc ở nơi khác trong đường sinh sản nam giới.

Virus Ebola có thời gian tồn tại lâu nhất

Các tác giả cho biết trong các nghiên cứu riêng biệt, virus Ebola có khả năng tồn tại lâu nhất, được phát hiện là 988 ngày sau khi xuất viện khỏi đơn vị điều trị Ebola và 965 ngày sau khi phát bệnh.

Thời gian phát hiện tối đa của virus Zika trong tinh dịch là 941 ngày sau khi phát bệnh nhưng thời gian tồn tại trung bình là 57 ngày sau khi phát bệnh. Thời gian ngắn nhất là 8 ngày sau khi phát bệnh đối với bệnh Rừng Kyasanur. Thời gian phát hiện tối đa đối với các loại virus khác là 21 ngày đối với virus sốt vàng da, 22 ngày đối với virus Tây sông Nile và 37 ngày đối với virus sốt xuất huyết.

Các tác giả cho biết, họ phát hiện thấy sự khác biệt đáng kể giữa các cá nhân về thời gian tồn tại của virus trong tinh dịch cùng với sự không chắc chắn đáng kể về thời gian tồn tại ở mỗi cá nhân.

Một số virus có thể tồn tại lâu.

Một số virus có thể tồn tại lâu.

Virus Oropouche trong tinh dịch, các dịch cơ thể khác

Trong tin tức liên quan, các nhà nghiên cứu Hà Lan vừa báo cáo về việc phát hiện bộ gene virus Oropouche trong tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác ở một du khách. Immunoglobulin M đặc hiệu với Oropouche gần đây đã được phát hiện ở 6 trong số 68 trẻ sơ sinh bị chứng đầu nhỏ (đầu và não nhỏ) và sự lây truyền theo chiều dọc (từ mẹ sang thai nhi) của virus đã dẫn đến tử vong ở thai nhi.

Báo cáo được công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, dựa trên các mẫu bệnh phẩm từ một bệnh nhân nam trở về Hà Lan từ Cuba vào tháng 8 năm 2024. Bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng bộ gene của virus vẫn có thể được phát hiện trong tất cả các mẫu bệnh phẩm, ngoại trừ phân (nước tiểu, máu và tinh dịch) lên đến 32 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.

Quá trình lây truyền virus qua đường tình dục vẫn chưa được xác định và các tác giả cho biết phát hiện của họ chỉ ra khả năng lây truyền của nó.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-loai-virus-trong-tinh-dich-co-kha-nang-gay-dai-dich-169241212191615367.htm