Căn bệnh là hiểm họa khi thời tiết giao mùa

Vào những tháng cuối năm, bước vào mùa đông xuân, thời tiết thay đổi là lúc bệnh cúm mùa tăng độ nguy hiểm.

 Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng trăm nghìn ca không qua khỏi vì biến chứng cúm mùa. Ảnh: Pexels.

Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng trăm nghìn ca không qua khỏi vì biến chứng cúm mùa. Ảnh: Pexels.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do nhiễm virus Influenza, gồm có 3 type A, B và C.

Virus cúm A thường xuyên biến đổi theo thời gian, gây ra các đại dịch cúm trên toàn cầu. Virus cúm B và C biến đổi không đáng kể.

Bệnh thường xuất hiện và nguy hiểm hơn ở mùa đông xuân, gây tổn thương vào đường hô hấp trên và dưới, kèm theo triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, đau cơ, yếu mệt.

Thông thường bệnh tự giới hạn, nhưng cũng có thể đưa đến nhiều biến chứng nặng, chủ yếu tại phổi, thậm chí khiến bệnh nhân không qua khỏi. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Chính vì vậy, việc phòng ngừa cũng như điều trị cảm cúm là quan trọng.

Theo Bộ Y tế, hàng năm ghi nhận từ 600.000 đến 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

Bệnh này lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

"Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh", bác sĩ Vũ nói.

Người mắc cúm cần được cách ly y tế, thông báo cho cơ quan y tế dự phòng. Các trường hợp bệnh nặng, hoặc có biến chứng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-benh-la-hiem-hoa-khi-thoi-tiet-giao-mua-post1514619.html