9 ngày cho Phan Thiết trở lại 'vùng xanh'
Như vậy, UBND tỉnh đã đồng ý cho TP. Phan Thiết thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 9 ngày, đến 31/8. Đây là quyết định đã được UBND tỉnh rất cân nhắc, và cũng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, bởi số ca nhiễm Covid-19 phát hiện trong khu vực phong tỏa và ngoài cộng đồng tại Phan Thiết hiện nay chưa được kiểm soát. Cụ thể là ngày 21/8, tại khu vực phong tỏa phường Đức Long đã phát hiện thêm 16 trường hợp dương tính. Đến trưa ngày 22/8, toàn tỉnh có thêm 47 ca nhiễm, riêng Phan Thiết 10 ca, trong đó có 3 ca F1 khu cách ly, 4 ca khu phong tỏa và đặc biệt là 2 ca sàng lọc ngoài cộng đồng và 1 ca sàng lọc trong bệnh viện. Đây chính là điều đáng lo ngại bởi những ca phát hiện qua sàng lọc ngoài cộng đồng đều có dịch tễ tiếp xúc phức tạp, nhiều người.
9 ngày cho Phan Thiết trở lại
Hiện nay, tỉnh ta có 2 địa phương là Phan Thiết và La Gi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong đó Phan Thiết đợt đầu tiên thực hiện trong 14 ngày, sau đó gia hạn 7 ngày và đợt này là 9 ngày. Riêng La Gi thì từ ngày 15/7 đến nay, với nhiều lần gia hạn. Có câu hỏi được đặt ra ở đây, là tại sao chúng ta không có mốc thời gian cố định giãn cách 1 hay 2 tháng chẳng hạn, để người dân và doanh nghiệp có sự chủ động trong sắp xếp, bố trí đảm bảo cuộc sống và sản xuất.
Vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải Tùng, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh chia sẻ: Việc áp dụng giãn cách Chỉ thị 15, hay Chỉ thị 16 với mốc thời gian 7 ngày, 9 ngày hay 14 ngày, thậm chí 1 tháng như TP. HCM hiện nay, thì đều dựa trên tình hình dịch bệnh diễn biến thực tế và dịch tễ các ca nhiễm, nhất là các ca nhiễm ngoài cộng đồng, để làm cơ sở đưa ra quyết định số ngày giãn cách hay tiếp tục gia hạn giãn cách. Ngoài ảnh hưởng đến đời sống của người dân, thì Phan Thiết còn là trung tâm chính trị, kinh tế của toàn tỉnh. Bớt 1 ngày hay thêm 1 ngày đều có tác động rất lớn đến đời sống và hoạt động của tổ chức, cá nhân. “Việc gia hạn thêm nhiều hay ít ngày đều có tính toán kỹ lưỡng, theo phương châm là giảm thấp nhất thiệt hại cho nhân dân qua thực hiện giãn cách. Mong nhân dân cảm thông, chia sẻ và hợp tác cùng chính quyền để sớm khống chế dịch bệnh”, ông Tùng cho biết thêm.
Hiện nay, toàn tỉnh đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc, trong đó Phan Thiết đang tập trung triển khai khẩn trương, để sớm khoanh định rõ khu vực “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ”, để từ đó xây dựng phương án đảm bảo an toàn đối với các “vùng xanh”. Sau khi được xét nghiệm sàng lọc, sẽ tiến hành đưa ra phương án giãn cách cụ thể cho từng khu vực, phường/xã sau ngày 31/8.
Có thể thấy rằng, để những địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cũng như những khu phong tỏa sớm trở lại cuộc sống bình thường đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay. Tuy nhiên chúng ta đã có bài học “nhãn tiền” từ thực hiện Chỉ thị 16 ở La Gi, khi trong các khu vực phong tỏa người dân vẫn gặp gỡ, giao tiếp giữa các nhà với nhau. Hậu quả dẫn đến là phát sinh thêm nhiều ca nhiễm qua xét nghiệm sàng lọc trong khu phong tỏa, nhất là ở phường Bình Tân, Phước Lộc. Ở Phan Thiết trường hợp phát hiện 16 ca ở phường Đức Long ngày 21/8, hay trước đó ở phường Bình Hưng là trường hợp tương tự.
Điều đáng lo ngại hiện nay là một số địa phương ở TP. Phan Thiết như phường Hưng Long, Bình Hưng, Đức Long... đều có đặc điểm rất giống với các phường ở La Gi, khi mật dân cư đông, một số khu vực lao động biển nhà ở san sát nhau, hẻm nhỏ nên nguy cơ lây nhiễm trong sinh hoạt của người dân là rất cao.
Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng và lực lượng tuyến đầu chống dịch, để sớm kết thúc giãn cách theo Chỉ thị 16, giảm bớt thiệt hại về kinh tế, đời sống cho nhân dân, lúc này không chỉ người dân Phan Thiết mà cả La Gi cần phải thực hiện nghiêm túc việc người cách ly với người, nhà cách ly với nhà. Bởi giải pháp đóng vai trò quyết định rất lớn trong đẩy lùi dịch bệnh lúc này, không gì là ngoài ý thức chấp hành của mỗi người dân.
Phúc Sinh