9 người chết, 1 người mất tích do ảnh hưởng bão số 2 ở Sơn La
Ngày 30/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã có báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lớn ảnh hưởng của cơn bão số 2.
Theo đó, từ ngày 23 đến ngày 25/7, tỉnh Sơn La đã hứng chịu một đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo báo cáo từ UBND tỉnh Sơn La, tổng thiệt hại ước tính lên đến 366,723 triệu đồng.
9 người chết, 1 người mất tích do bão
Trong đợt mưa lớn này, toàn tỉnh Sơn La đã trải qua mưa vừa, mưa to, và có nơi mưa rất to, gây ngập lụt và thiệt hại đáng kể. Đến 11h ngày 30/7, Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã tổng hợp số liệu báo cáo thiệt hại từ 12 huyện, thành phố, Điện lực và Sở Giao thông vận tải tỉnh, cùng Công ty Khai thác công trình thủy lợi.
Thiệt hại về người, có tổng cộng 9 người chết, 1 người mất tích và 5 người bị thương. Về thiệt hại nhà ở, có 2.531 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 231 nhà phải di dời khẩn cấp và 113 nhà bị thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, mưa lớn còn làm ngập nước 751 nhà và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giáo dục với 22 điểm trường bị ảnh hưởng.
Thiệt hại về giao thông cũng rất nghiêm trọng với sụt taluy dương, sa bồi lên tới 261.268 m³, và 130 vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông, trong đó chỉ có 65 vị trí đã được thông xe tạm thời. Ước tính thiệt hại về giao thông lên đến 34,537 tỷ đồng.
Hệ thống điện cũng bị ảnh hưởng nặng nề với 32 vị trí cột điện trung thế bị gãy đổ, 244 vị trí cột hạ thế bị nghiêng và 3 trạm biến áp bị đổ và ngập nước, dẫn đến 651 khách hàng bị mất điện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, diện tích lúa mùa bị ngập và cuốn trôi là 3.902,08 ha, cùng với thiệt hại lớn về hoa màu và cây trồng lâu năm. Chăn nuôi cũng chịu thiệt hại nặng với 505 con gia súc và 12.221 con gia cầm bị cuốn trôi.
Các thiệt hại khác bao gồm diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại 263,58 ha, đổ 1 cột viễn thông, ảnh hưởng đến 82 công trình thủy lợi, 15 cầu treo bị hư hỏng, 1 trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh, 1 chợ và 4 công trình cấp nước.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã triển khai công tác khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đoàn công tác đã xuống cơ sở, phối hợp với các xã để chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn nhân dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định chỗ ở, tìm kiếm người mất tích và đảm bảo giao thông thông suốt.
Thủ tướng gửi lời chia buồn, yêu cầu khắc phục nhanh hậu quả
Liên quan đến các thiệt hai do bão số 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Thông tin -Truyền thông về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.
Thủ tướng gửi lời chia buồn tới các thân nhân gia đình người bị nạn và yêu cầu các bộ trưởng các bộ nêu trên, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trực tiếp chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 2. Rà soát, xác định các trường hợp còn đang bị mất tích (nếu có) để tổ chức tìm kiếm cứu nạn với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất; tổ chức cứu chữa cho người bị thương; phối hợp với gia đình lo hậu sự chu đáo cho những người bị thiệt mạng; thăm hỏi, động viên, thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn theo quy định. Kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.
Huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để có phương án chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá nguyên nhân sạt lở đất, ngập lụt tại Sơn La để có giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại do lũ lụt, sạt lở.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn; nếu lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng các bộ Công an và Quốc phòng chỉ đạo lực lượng trên địa bàn tỉnh Sơn La, phối hợp triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất theo đề nghị của địa phương. Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính.
Bộ trưởng các bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn và Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nước lớn trên sông Đà. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng ngập sâu tại các đô thị, sạt lở khi mưa lớn trong thời gian gần đây (trong đó có các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lâm Đồng và TP.Đà Nẵng...).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thiên tai, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.