9 tháng, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá 2,02%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, đạt 2,02% góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Trong đó, thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%.
Ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá, đạt 2,02%
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III diễn ra chiều ngày 14/10, ông Lê Văn Thành, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 9 tháng năm 2019, ngành nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp; khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc thay đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc...
Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao. Đầu tiên phải nói đến, toàn ngành duy trì tăng trưởng khá đạt 2,02%, đã góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước; trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, nổi bật phải kể tới có 6 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8%); cà phê (2,1 tỷ USD, giảm 21,8%); gạo (gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%), hạt điều (2,4 tỷ USD, giảm 5,4%); rau, quả (2,15 tỷ USD, giảm 4,3%) và tôm (2,4 tỷ USD, giảm 8,0%). Thặng dư thương mại 9 tháng toàn ngành đạt 6,86 tỷ USD, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.
Theo ông Thành, thời gian qua, toàn ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là việc tập trung tháo gỡ khó khăn với thị trường Trung Quốc, mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu như xoài vào Mỹ, Anh, Australia...
“Tính đến hết tháng 8, giá trị xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 5,31 tỷ USD; Mỹ đạt 5,35 tỷ USD. Nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam là 1,53 tỷ USD và Mỹ là 2,51 tỷ USD”, ông Thành cho biết thêm.
3 tháng cuối năm tập trung thức đẩy xuất khẩu vào 5 thị trường lớn
Đó là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thêm cũng cho biết, trước tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tới ngành nông nghiệp, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện nhiều các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chia sẻ thông tin, hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; định kỳ 3 tháng/lần tổ chức họp trao đổi, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lý hoặc phản ánh đến các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ.
Ngoài ra, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho sản phẩm nông, thủy sản như: xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 10/2019; đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro để xuất sớm xuất khẩu Tổ yến; Sầu riêng, Chanh leo, khoai Lang; Bơ, Thạch đen; Bưởi, Dừa, Na và tháo gỡ khó khăn cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam…..
Đối với thị trường Mỹ, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận tương đương đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cá Tra sang Hoa Kỳ; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm thủy sản ở các thị trường Hoa Kỳ (Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản SIMP áp dụng nhiều quy định kiểm soát mặt hàng thủy sản trong đó có tôm, các ngừ, cá kiếm, bào ngư, hải sâm; chương trình Farm Bill).
Còn thị trường EU sẽ tập trung làm việc với các cơ quan chức năng của EU tháo gỡ thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu, đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, xuất khẩu nông sản sau khi Hiệp định Thương mại Tự do FTA Việt Nam-EU được ký kết...
Về thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm hoa quả vào thị trường Nhật Bản bao gồm: nhãn, vải, bưởi, chôm chôm, vú sữa. Tổ chức xúc tiến hàng nông sản vào các chuỗi siêu thị phân phối lớn (như AEON) tại Nhật Bản; tháo gỡ vướng mắc trong kiểm dịch chất lượng sản phẩm thủy sản vào Hàn Quốc…
Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cùng với việc tập trung vào các thị trường xuất khẩu, Bộ sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể của từng ngành hàng như trồng trọt; chăn nuôi; thủy sản; lâm nghiệp… nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành trong năm 2019.