9 tháng, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,7%

Qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%); chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ xác định "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành, trong đó "2 đẩy mạnh" là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.

Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện nhiều, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là vấn đề kéo dài nhiều năm.

Trong bối cảnh nguồn vốn cho các dự án đã có, người dân mong mỏi, đất nước trông chờ, yêu cầu công việc cao, Thủ tướng yêu cầu làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

"Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT có báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình giải ngân; cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và chưa tốt; nguyên nhân giải ngân chậm là do đâu? Nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì? Nguyên nhân thuộc về thể chế, pháp luật hay công tác điều hành, tổ chức thực hiện? Các giải pháp khắc phục thời gian tới.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương nêu rõ thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình; kinh nghiệm hay và những khó khăn, vướng mắc là gì? Giải ngân thấp nguyên nhân do đâu?

Theo các báo cáo, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%); chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.

Cũng tại hội nghị, trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành liên quan, nhất là các tỉnh miền Trung tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác này.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số 4, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương; phải rà soát kỹ nhiều công việc, đó là phải kêu gọi ngư dân đánh cá về bờ tránh bão, không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản; kiểm tra kỹ, bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy lợi, thủy điện, lồng bè thủy hải sản, có phương án bảo vệ, gia cố, khắc phục, tránh mọi sự cố đáng tiếc. Chú ý đề phòng sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ khi mưa lớn. Người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lúc bão to, mưa lớn mà mới sơ tán thì khó ứng cứu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan phải tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bão, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm; có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//9-thang-toc-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-moi-dat-467-844305.html