90 năm phấn đấu vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ Quảng Trị
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nối tiếp truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng đông đảo, tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, 'ra sức dệt thêu' 'non sông gấm vóc Việt Nam' thêm tốt đẹp, rực rỡ. Cùng với phụ nữ cả nước, 90 năm qua, phụ nữ Quảng Trị đã nối tiếp truyền thống cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương, cùng Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị viết nên những trang sử vẻ vang trong hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng hành với quê hương trên bước đường đổi mới.
ĐỖ THỊ LÝ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã nhận rõ vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và sớm đặt ra yêu cầu phải xây dựng một tổ chức riêng để tập hợp, thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam ra đời. Từ đây, phụ nữ Việt Nam đã có tổ chức riêng của mình. Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, tên gọi của tổ chức hội có sự thay đổi nhưng trước sau Hội LHPN Việt Nam luôn là một tổ chức chính trị - xã hội, một lực lượng tin cậy của Đảng và của dân tộc, tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp phụ nữ cả nước phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tiềm năng và sức sáng tạo đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN Quảng Trị đã tập hợp chị em phụ nữ hoạt động tích cực trong các phong trào cách mạng. Từ các cuộc đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ đến công tác nuôi giấu cán bộ, quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng, làm giao liên, cứu thương, hoạt động bí mật trong lòng địch, rồi tham gia các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu, chị em luôn thể hiện lòng kiên trung với lý tưởng cách mạng, tinh thần dũng cảm, trí thông minh và sự chịu đựng, hy sinh cao cả. Các chị Hoàng Thị Ái, Lê Thị Quế, Phan Thị Hồng, Lê Thị Diệu Muội… là những người cán bộ nữ cốt cán đầu tiên tiêu biểu của Đảng và của Hội LHPN tỉnh Quảng Trị. Mùa thu năm 1945, cùng với khí thế của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hàng vạn phụ nữ Quảng Trị đã nhất tề đứng lên cùng với đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo thành những dòng thác cách mạng nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, phụ nữ Quảng Trị phải chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước, cầu Hiền Lương trở thành bên thương, bên nhớ. Với khát vọng cháy bỏng về một ngày hội thống nhất non sông, phụ nữ Quảng Trị cùng với toàn Đảng, toàn dân đấu tranh một mất, một còn với kẻ thù, kiên trì bám đất, bám làng và tích cực tham gia các phong trào cách mạng của địa phương. Hàng ngàn chị em bị địch bắt bớ, tù đày, bị đánh đập và tra tấn rất dã man nhưng vẫn kiên quyết không khai, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Biết bao người mẹ đã hiến dâng cho đất nước những người con thân yêu của mình, để rồi những lần tiễn con đi là những lần khóc thầm lặng lẽ. Sự hy sinh to lớn của các mẹ, các chị đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước trọn niềm vui.
45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là sau hơn 30 năm tỉnh Quảng Trị được lập lại, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh đã phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo nên những chuyển biến mới, những thành tựu to lớn trong phong trào phụ nữ và hoạt động hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển và bình đẳng giới. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu và nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp phụ nữ.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng và của hội cấp trên, căn cứ vào nhu cầu và nguyện vọng thực tế của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN tỉnh xác định mục tiêu đa dạng hóa nội dung và loại hình hoạt động để tập hợp được đông đảo phụ nữ, tạo thành một khối liên hiệp thống nhất hành động. Phương châm được đặt ra là: “nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức hội”, “nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động hội”. Mọi chỉ đạo của ban chấp hành phải tập trung hướng về cơ sở, gắn việc củng cố tổ chức hội cơ sở với các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với xây dựng tổ chức và phát động phong trào thi đua cụ thể, thiết thực.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, Hội LHPN tỉnh luôn bám sát yêu cầu đổi mới của đất nước, nhiệm vụ trọng tâm của hội, của địa phương; coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; đa dạng theo từng đối tượng, vùng miền; xây dựng và hình thành các chuyên trang, chuyên mục phụ nữ và bình đẳng giới, tạo ra các sản phẩm truyền thông giáo dục phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Từ phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đến phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện 4 phẩm chất phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn liền với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của chị em, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ, lan tỏa những hành động đẹp, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, góp phần tô thắm thêm phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ.
Nhận thức rõ quyền năng kinh tế của phụ nữ là một chỉ số quan trọng đánh giá vị thế của phụ nữ, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 10 năm qua, các tổ nhóm tiết kiệm của các cấp hội đã tiết kiệm được 273,4 tỉ đồng, giúp 155.131 chị em; hỗ trợ 78.016 phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn vay với dư nợ đến nay 1.437,6 tỉ đồng; giúp gần 9.081 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ kinh tế gia đình thoát nghèo, xây dựng 1.880 mô hình kinh tế giỏi, 925 mô hình giảm nghèo; 29.150 lao động nữ được đào tạo nghề, trong đó 23.815 lao động có việc làm ổn định, nâng cao năng suất lao động, các hoạt động của hội đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 6.43%. Những năm gần đây, hội đã chuyển hướng chỉ đạo, tập trung mạnh vào hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; vận động nguồn lực hỗ trợ hiện thực các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ; tích cực tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn của hội viên phụ nữ; xây dựng và vận hành 20 gian hàng nhằm kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần kích thích phát triển sản xuất theo tín hiệu của thị trường.
Ý thức được phụ nữ là “người thắp lửa cho mỗi nhà”, “không chỉ chăm lo gia đình mà còn cần biết thắp lên niềm tin, ước mơ và hy vọng cho mỗi thành viên trong gia đình”, các cấp hội đã tập trung thực hiện toàn diện công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Từ cuộc vận động “Phụ nữ nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học cấp 1” đến cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” đều được hội gắn kết chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động của các cấp, các ngành đã giúp chị em nâng cao hiểu biết luật pháp, chính sách, kiến thức về nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Đặc biệt, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động đã được các cấp hội cụ thể hóa thành những mô hình, công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, linh hoạt đã có tác động sâu sắc, toàn diện đến đời sống chị em phụ nữ, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay hội đã vận động, hỗ trợ gần 96.000 gia đình hội viên, phụ nữ đạt gia đình 5 không, 3 sạch. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các cấp hội phụ nữ đã làm tốt công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa, quan tâm hỗ trợ những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ năm 1992 đến nay đã có 87 nhà tình nghĩa, 238 mái ấm tình thương tổng trị giá 8,4 tỉ đồng được xây dựng từ sự chung tay của chị em, của cộng đồng đã trở thành nguồn động viên chị em vượt qua khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Là tổ chức đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các cấp hội đã vận động, tổ chức cho hội viên, phụ nữ phát huy, thực hiện vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tăng cường hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể với hội viên, phụ nữ và cán bộ nữ; hiện thực hóa 29 sáng kiến giám sát về chính sách công, dịch vụ công và công trình đầu tư công, góp phần nâng cao kỹ năng giám sát, phản biện xã hội của cán bộ và hội viên, phụ nữ.
Trong công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Hội LHPN tỉnh luôn tập trung chỉ đạo, đầu tư nguồn lực hướng về cơ sở, quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phát triển hội viên, củng cố tổ chức hội ở cơ sở. Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tập hợp hơn 126.000 phụ nữ vào hội. Bộ máy tổ chức từ tỉnh đến cơ sở lớn mạnh, 100% thôn bản, khu phố đã hình thành 819 chi hội phụ nữ; chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp không ngừng được nâng lên, 100% cán bộ chuyên trách cấp huyện, tỉnh; 89.6% cán bộ chuyên trách cấp cơ sở đều có trình độ đại học và sau đại học, tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng.
Qua hoạt động đối ngoại nhân dân, vị thế của hội trong hợp tác quốc tế ngày càng được nâng cao. Quan hệ hữu nghị giữa Hội LHPN tỉnh với Hội LHPN Savannakhet, SalavanLào, Ủy ban phát triển phụ nữ Mukdahan Thái Lan ngày càng gắn kết, bền chặt.
Với những thành tích và sự đóng góp thiết thực của phong trào phụ nữ, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ Quảng Trị vui mừng được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về kết quả đóng góp của phong trào phụ nữ và Hội LHPN tỉnh trong hành trình xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ Quảng Trị.
Sự phát triển của tổ chức Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, những thành tích đáng tự hào của phong trào phụ nữ 90 năm qua là công sức của lớp lớp các thế hệ cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ; là kết quả từ sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp, giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt là các đồng chí cán bộ hội lão thành và các thế hệ cán bộ hội đi trước đã suốt đời phấn đấu hy sinh, tận tâm, tận lực đóng góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, cho sự phát triển của tổ chức Hội LHPN Quảng Trị.
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp hội còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Hội LHPN tỉnh phải luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, chỉ đạo và tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ học tập, quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết đại hội đảng các cấp; tham mưu tích cực và chủ động vào công tác nhân sự nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hai là, tiếp tục củng cố, phát triển hội viên, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và xã hội về tổ chức hội, kiên trì phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, lấy hội viên phụ nữ là trung tâm, làm động lực và nguồn lực cho sự phát triển của tổ chức hội; các hoạt động của hội phải đảm bảo 3 yêu cầu “Ích nước, lợi nhà, tiến bộ bản thân”, “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu”.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ hội làm việc “Tận tâm, chuyên nghiệp, hiệu quả, nhân văn”, khát vọng cống hiến; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống hội, lấy việc ứng dụng công nghệ thông tin làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, “lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động hội”.
Bốn là, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất, giám sát, phản biện xã hội của Hội LHPN các cấp; hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; tập trung giải quyết các vấn đề thiết thân của một số nhóm phụ nữ, đảm bảo không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Năm là, xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm tích hợp các nguồn lực tập trung giải quyết các vấn đề của phụ nữ phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng được nhu cầu của hội viên phụ nữ.
Sáu là, chuẩn bị tốt nội dung, nhân sự và các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công đại hội phụ nữ 3 cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đến với Quảng Trị hôm nay, ngắm nhìn những đổi thay trên mảnh đất của một thời khói lửa mới thấy được ý chí, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của người dân nơi đây, trong đó có sự đóng góp công sức của chị em phụ nữ. Với niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của phụ nữ Quảng Trị, cùng với những thành tích đạt được trong thời gian qua, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh sẽ đoàn kết, tiếp tục phát huy hơn nữa sự năng động, sáng tạo, trí tuệ và trách nhiệm của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, để hình ảnh, vị thế của người phụ nữ ngày càng tỏa sáng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152752