Chuyện hỗ trợ chuyển đổi nghề ở Mỹ Thạnh
78 hộ nghèo trong tổng số 151 hộ nghèo của xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam rất vui khi nhận được khoản hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình). Liên quan vấn đề này còn băn khoăn của một số hộ dân về khoản chênh lệch đã được đơn vị liên quan trả lời.
Hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ
Mỹ Thạnh là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Thuận Nam, có 283 hộ/981 khẩu, trong đó có 151 hộ nghèo. Cũng như các xã thuần, xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn toàn tỉnh, những năm qua các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình. Trong đó chú trọng hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ nghèo giúp người dân có thêm điều kiện làm ăn, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên ổn định đời sống. Năm 2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Phòng Nông nghiệp) đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 78 hộ, với tổng số tiền 780 triệu đồng.
Theo Phòng Nông nghiệp, khoản tiền này mỗi hộ nhận được 10 triệu đồng theo quy định, nhưng không phải bằng tiền mặt mà bằng “cần câu cơm” rất thiết thực. Có nghĩa Phòng Nông nghiệp định hướng cho các hộ mua những vật mang lại sinh lợi bền vững như bò, dê, nông cụ. Khi đi mua có cán bộ phòng hoặc xã đồng hành theo kiểu: Tôi trả tiền lấy hóa đơn, còn anh nhận hàng mang về sử dụng, để phòng ngừa tiền vào tay người dân sử dụng không đúng mục đích, việc hỗ trợ không còn ý nghĩa.
Theo đó, trước khi trao “cần câu cơm” cho người dân, Phòng Nông nghiệp phối hợp với UBND xã Mỹ Thạnh tổ chức họp dân, những người là hộ nghèo của xã, chọn ra 78 hộ. Về phía doanh nghiệp có ông Trương Bá Tuấn ở thôn Phú Điền, Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc chuyên cung cấp bò, dê cho chương trình tham dự. Tại đây Phòng Nông nghiệp định hướng người dân, ngoài việc tùy ý lựa chọn, bò, dê hoặc nông cụ thì cũng tùy ý lựa chọn nhà cung cấp, nhưng khống chế trong khoản tiền 10 triệu đồng, nếu vượt số tiền phải bù vào.
Vì doanh nghiệp này đã từng cung cấp bò, dê tận nơi cho hộ nghèo của các chương trình thiện nguyện khác ở xã, thấy chúng sinh trưởng tốt nên nhiều hộ đăng ký mua bò, dê, với 69 hộ, còn lại mua nông cụ. “Mình thích mua bò nhưng sợ bò to không có tiền bù thêm nên mua máy cắt cỏ, máy xịt thuốc, và 1 con dê”, hộ N.T.N chia sẻ. Với hộ S.V cho biết, mình mua 500 m dây điện (loại dây 35) chong đèn thanh long.
Khi đôi bên thống nhất, doanh nghiệp có trách nhiệm đưa bò, dê đến xã trao tận tay người dân có sự giám sát của cán bộ Phòng Nông nghiệp. Còn nông cụ thì phòng cử cán bộ của mình dẫn người dân đến các đại lý chuyên cung cấp nông cụ mua. Đến nay 78 hộ đã nhận được vật nuôi và nông cụ như đã đăng ký. Tuy nhiên, nhìn lại vật nuôi, nông cụ họ có những băn khoăn. Bởi quá trình đi mua thấy nông cụ có nhiều loại đơn giá trên thị trường; bò, dê không phải con nào cũng 10 triệu đồng/con mà có con nhỏ chỉ dưới 10 triệu đồng/con.
Giám sát việc giao nhận bò và nông cụ
Ông N.V.T, bà S.V và nhiều hộ dân khác thôn 1, Mỹ Thạnh cho biết: Theo quy định, nếu bò, dê; nông cụ vượt quá số tiền hỗ trợ thì người mua phải bù tiền, nhưng nếu không vượt quá thì số tiền còn lại sẽ làm gì? Vì trong quá trình mua thực tế chúng tôi thấy có những vật nuôi, nông cụ dưới mức 10 triệu đồng. Điều này cũng đã được ông Lê Hà Lưu – Bí thư Chi bộ thôn 1, Mỹ Thạnh xác nhận, có nghe người dân băn khoăn, trăn trở sau khi nhận vật nuôi, nông cụ hỗ trợ chuyển đổi nghề từ chương trình.
Lý giải những trăn trở của người dân, ông Trương Bá Tuấn nói: doanh nghiệp của ông chuyên cung cấp vật nuôi bản địa quen với điều kiện thời tiết, địa hình tự nhiên, sinh trưởng tốt. Hơn nữa, ông còn là đối tác của nhiều ban, ngành, huyện, thị thực hiện các dự án phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua. Đồng thời, ông giải thích: việc người dân mua bò của ông là có lợi, vì những con bò, dê to vượt quá 10 triệu đồng/con. Cụ thể, từ 12 – 15 triệu đồng thì ông mới yêu cầu người dân phụ thêm tiền, còn những con trị giá 9 – 11 triệu đồng, tính giá bình quân giao cho người dân, nên khi họp dân chúng tôi đề nghị bốc thăm, ai trúng con nào thì nhận con đó. Bản thân chúng tôi khi đi mua bò, giao cho người dân theo hợp đồng ký kết với huyện, đôi khi cũng chấp nhận thua lỗ vì người bán biết mình cần mua, ép giá cao nhưng cần vẫn phải mua; chưa kể công vận chuyển cũng như chi phí cho một con bò trao tận tay người dân.
Phòng Nông nghiệp cho biết, việc giao bò, nông cụ đến tận tay người dân đều trong sự giám sát của phòng. Giám sát không chỉ lúc doanh nghiệp giao cho người dân mà còn cả trong quá trình người dân nuôi và sử dụng. Việc mua vật nuôi và nông cụ giá tiền bao nhiêu đều thể hiện trên hóa đơn, chứng từ, nếu không sử dụng hết số tiền 10 triệu đồng/hộ thì số tiền còn lại sẽ trả về điểm xuất phát chi ban đầu cho dự án, người dân an tâm.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-ho-tro-chuyen-doi-nghe-o-my-thanh-125526.html