90 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh: Ai về Hưng Nguyên…
Mảnh đất khởi phát phong trào Cách mạng giai đoạn 1930- 1931 và cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, nơi 217 liệt sỹ yên nghỉ, giờ linh thiêng hương khói và rộn ràng sắc màu cờ hoa.
Hương khói Thái Lão
Sáng 12/9, đúng ngày giỗ thứ 90 của hàng trăm liệt sỹ quê Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An), những người ngã xuống trong trận bom thực dân Pháp ném xuống đoàn biểu tình ngày 12/9/1930, tôi rủ Vũ Hoàng Tú, bạn tôi, một doanh nhân “quê hương Xô viết” hiện sống tại Vinh về Khu di tích Xô viết Nghệ - Tĩnh hương khói viếng các vị tiền nhân. Tú gật đầu nhận lời ngay: “Em cũng đang định về Thái Lão, cố nội em đang yên nghỉ trong ngôi mộ chung đó. Ngày rằm, mùng Một tháng nào gia đình em cũng lên Hưng Nguyên thắp hương”.
Nắng chói chang. Hè dường như vẫn chưa muốn buông bỏ mảnh đất miền Trung nhọc nhằn. Trận gió Lào hanh khô vẫn rong ruổi, bỏng rát đuổi theo nhau trên đường, dù trời đã chuyển sang Thu. Nghĩa trang Thái Lão, nay là Khu di tích Xô viết Nghệ - Tĩnh tọa lạc cạnh quốc lộ 46 cách Vinh chỉ mấy cây số, có một ngôi mộ tập thể nằm giữa khuôn viên đầy cây xanh, phía trước bia dẫn tích ghi: “Mộ các liệt sỹ Xô viết Nghệ- Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão”. Dù ở cạnh quốc lộ rộn ràng tiếng còi xe, nhưng vào bên trong khu di tích lại yên lặng, thanh bình đến lạ. Trước ngôi mộ, hàng chục vòng hoa xếp ngay ngắn, trang nghiêm, khói hương nghi ngút. Chúng tôi không phải là những người đến viếng sớm nhất, bởi xung quanh, dưới các tán cây, đã san sát hàng trăm chiếc xe máy, ô tô của khách thập phương tề tựu tự lúc nào.
Một người phụ nữ luống tuổi, tóc hoa râm, nguyên là cán bộ huyện Hưng Nguyên hàng chục năm gắn bó với việc hương khói, thờ phụng các liệt sỹ Xô viết Nghệ - Tĩnh, sáng qua cũng có mặt trước ngôi mộ chung. “Cứ đến ngày lễ, chị em tôi chẳng ai bảo ai đều đến viếng các liệt sỹ Thái Lão. Việc đó đã thành nếp, thành thói quen rồi”, chị nói. Phía sau mộ là nhà tưởng niệm, khởi công năm 2010, nơi có 2 bia đá khắc tên tuổi, quê quán của các liệt sỹ.
Anh Võ Văn Phượng, Phó GĐ Trung tâm VHTT-TT huyện Hưng Nguyên, người luôn hiện diện tại Khu di tích, cho hay: “Hầu như ngày nào cũng đông khách đến thắp hương, nhất là dịp lễ, tết và những ngày đầu tháng, ngày rằm. Gần đây, hầu như tuần nào cũng có các nhóm học sinh Hưng Nguyên và các huyện lân cận, cùng học viên Trung tâm Chính trị huyện đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, trong các buổi ngoại khóa”. Ngoài 2 nhân viên của Trung tâm VHTT-TT thường xuyên có mặt tại khu vực mộ chung, nhà tưởng niệm để lo việc hương khói, đón khách, thuyết minh, huyện Hưng Nguyên còn cắt cử thêm 7 người khác hỗ trợ Khu di tích.
Tú cứ bần thần trước tấm bia đá với hàng dài tên tuổi tiền nhân. Cố nội anh, liệt sỹ Võ Quý Cung (SN 1875, quê xã Hưng Thái, Hưng Nguyên) đứng ở vị trí thứ 135, hàng bia bên phải. Là nông dân nghèo, cụ Võ Quý Cung sinh được hai người con trai, tham gia đoàn biểu tình ngày 12/9/1930 khi đã 55 tuổi, cụ cũng là một trong những người cao tuổi nhất trong số 217 liệt sỹ. Trên hai tấm bia đá, những người đã ngã xuống được khắc ghi tên đều là nông dân chân lấm tay bùn thuộc hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, độ tuổi phổ biến nhất là 20, 30. Không chịu nổi áp bức, bất công và cơn đói triền miên trong đêm trường chế độ thực dân - phong kiến, những người nông dân đã nhất tề đứng dậy, giương cao ngọn cờ cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Lời kể của anh Võ Văn Phượng cứ thảng thốt, ngổn ngang sử liệu: “Từ tháng 9/1930, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh phát triển thành cao trào, hàng loạt cuộc biểu tình của công nhân, nông dân liên tiếp nổ ra ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Sáng ngày 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc ba tổng Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, đã giương cờ đỏ búa liềm, kéo về ga Yên Xuân. Khi đoàn biểu tình vừa tiến đến Thái Lão (xã Hưng Thái cũ), thực dân Pháp cho máy bay ném bom, tấn công vào giữa đám đông khiến 217 người hy sinh tại chỗ và nhiều người khác bị thương”. Cuộc khủng bố dã man làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế thời bấy giờ.
Cờ Tổ quốc tung bay quanh năm
Cách thị trấn Hưng Nguyên khoảng 3km, xã Hưng Tân, được mệnh danh “miền quê đáng sống”. Ở Hưng Tân, người dân quanh năm treo cờ Tổ quốc, màu cờ đỏ thắm tung bay trên nóc nhà, rợp đường làng, ngõ xóm. “Ngày kỷ niệm 90 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh, tôi thay lá cờ mới cho ý nghĩa. Không phải ngày này chúng tôi mới treo cờ, mà ngày nào cờ Tổ quốc cũng được treo lên trang trọng. Chú có thể dạo khắp cả xã, đâu đâu cũng thấy trước mỗi nhà đều có một cột cờ. Đó là tinh thần tôn vinh quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc”, ông Hoàng Văn Đạt, 62 tuổi, sinh sống tại Hưng Tân, tự hào nói.
Theo lão nông này, trước đây, mỗi dịp lễ tết, người dân thường treo cờ Tổ quốc nhưng có gia đình treo thấp, treo cao, rất lộn xộn. Để thống nhất, xã Hưng Tân đã đưa ra mẫu cột bằng ống thép cao 9m, chân cột được xây bằng bê tông với tỷ lệ 50x50, cờ được kéo lên hạ xuống bằng ròng rọc. Chính quyền xã hỗ trợ mỗi hộ dân 100.000 đồng xây một cột cờ, nhằm động viên, khuyến khích bà con. Chỉ trong thời gian ngắn, tất cả hộ dân trong xã chẳng ai bảo ai đều đua nhau dựng cột, treo cờ.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Hưng Tân, nói: “Việc treo cờ Tổ quốc quanh năm, trước hết xuất phát từ tinh thần tự nguyện của mỗi người dân. Xã chúng tôi là xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Hưng Nguyên, được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1998”. Toàn xã Hưng Tân có 1.200 hộ dân, cũng từng ấy lá cờ Tổ quốc đỏ thắm ngày ngày tung bay trên ngôi làng, quê hương Xô viết.
Trong lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê (1961), Người dặn dò: "Máu của các liệt sỹ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã tô thắm thêm lá cờ của Đảng. Cán bộ và nhân dân phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một khu di tích lịch sử cách mạng".
(Còn nữa)