90% người tiêu dùng Việt Nam thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt
Theo Nghiên cứu mới nhất về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 vừa được Visa công bố cho thấy, thanh toán điện tử và các xu hướng kỹ thuật số tiếp tục phát triển khi có 90% người tiêu dùng Việt Nam thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt trong năm 2022.
Theo Visa, tỉ lệ người dùng Việt sử dụng thanh toán bằng thẻ trực tuyến, ví điện tử và thanh toán mã QR đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi so với năm 2021. Có đến 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng – ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với mức 32% năm 2021.
Tương tự, tỉ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61% (năm 2022) so với mức 35% (năm 2021).
90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt (năm 2022), tăng cao so với mức 77% (năm 2021) và 77% tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày.
85% người tiêu dùng đã sừ dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch, cho thấy thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển.
Điều này cho thấy xu hướng nói không với tiền mặt của người tiêu dùng, bằng chứng là năm 2022, họ đã mang theo ít tiền mặt hơn và ít sử dụng tiền mặt để thanh toán. Hai lý do phổ biến nhất khiến người dùng hạn chế mang tiền mặt là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp, và thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện và áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉ lệ lựa chọn các phương thức thanh toán kỹ thuật số cũng ngày càng gia tăng. Theo thông tin từ Nghiên cứu, 90% người tiêu dùng Việt quan tâm đến hình thức ngân hàng số. Tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là rất lớn, vì hiện chỉ có 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ này . Khi giá trị thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội đầy tiềm năng để mở rộng dịch vụ kinh doanh ở thị trường trong nước.
Mặt khác, khái niệm “ngân hàng mở” vẫn còn mới tại Việt Nam, mặc dù 76% người tiêu dùng đã biết về mô hình này. Điều này cũng được ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á, khi Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đang trong quá trình phát triển các khung dữ liệu để hỗ trợ ngân hàng mở trong tương lai. Các tính năng được người dùng Việt quan tâm nhất mà “ngân hàng mở” có thể cung cấp là so sánh sản phẩm và dịch vụ giữa nhiều ngân hàng, khả năng sắp xếp lịch thanh toán và chuyển khoản.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào hi vọng các phân tích từ Nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng sẽ hỗ trợ đối tác phát triển sáng kiến, đổi mới công nghệ, đọc vị hành vi của người dùng hậu COVID-19. "Chúng tôi mong đợi một tương lai kỹ thuật số đầy tiềm năng cho cả người tiêu dùng và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Việt Nam”, bà Dung cho biết.