'95 mùa xuân có Đảng' qua mỹ thuật
66 tác phẩm trong triển lãm '95 mùa xuân có Đảng' của các thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã góp phần khẳng định truyền thống vẻ vang của Đảng.
Một lòng theo Đảng, chiến đấu và chiến thắng
Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học, Trưởng phòng Trưng bày và Giáo dục, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm lựa chọn 66 tác phẩm trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, đồng, gỗ… trưng bày dưới hình thức truyền thống và trình chiếu. Các tác phẩm được sáng tác từ năm 1954 - 2010, của nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, từ mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật kháng chiến đến mỹ thuật hiện đại, đương đại.
Các tác phẩm giới thiệu 5 giai đoạn hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ những bước chân đầu tiên Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến khi Người thành lập Đảng, dẫn dắt quần chúng nhân dân làm Cách mạng tháng Tám thành công, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến hòa bình thống nhất và công cuộc Đổi mới, xây dựng đất nước.
Bằng những cảm nhận và cách thể hiện riêng, các nghệ sĩ đã dành trọn tâm sức, tài năng sáng tạo để làm ra những tác phẩm có giá trị lịch sử, thẩm mỹ và tính nhân văn về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua 95 mùa xuân, Đảng đã làm đổi thay diện mạo đất nước, dẫn dắt nhân dân từ lầm than nô lệ đến vươn lên giành độc lập tự do, vượt bao khó khăn gian khổ, cùng đoàn kết xây dựng non sông gấm vóc ngày một giàu mạnh, tươi đẹp.
Các tác phẩm là những câu chuyện về tinh thần của người dân Việt Nam, không kể giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp đi theo tiếng gọi của Đảng, chiến đấu và chiến thắng, xây dựng Tổ quốc. Tác phẩm điêu khắc Bất khuất của Hứa Tử Hoài không hướng vào một nhân vật cụ thể, mà tôn vinh, ngợi ca cả một thế hệ đã hy sinh anh dũng, đi theo tiếng gọi của Đảng để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Chiến thắng của Nguyễn Thanh Châu, với ngôn ngữ hội họa đậm chất hiện thực cách mạng, như lời khẳng định hòa bình và thống nhất luôn là đích đến cuối cùng của dân tộc.
Nhóm tác giả Hoàng Công Luận, Lưu Yên, Bùi Quang Ngọc và Nguyễn Yên với bộ 4 tranh Vài nét sinh hoạt của công nhân mỏ tái hiện sinh động đời sống công nhân vùng mỏ: Sản xuất nhiều than cho Tổ quốc; Bác Hồ về thăm năm 1957, nhân dân được học và chăm sóc sức khỏe; Cuộc sống ấm no, tự do bầu cử; Cuối năm báo công, vượt mức kế hoạch. Bộ tác phẩm thể hiện vẻ đẹp đời thường nhưng tràn đầy sức sống và niềm lạc quan của công nhân vùng than nói riêng và giai cấp công nhân cả nước bấy giờ.
Giai đoạn sau này, Đảng dẫn dắt nhân dân xây dựng những công trình lớn, được thể hiện qua các tác phẩm như Thủy điện sông Đà, Nhịp sống mới của Nguyễn Hoàng Long, ngợi ca những con người mới trong công cuộc xây dựng đất nước...
Khẳng định truyền thống vẻ vang của Đảng
Điểm nhấn tại triển lãm là phác thảo bột màu Xô Viết Nghệ Tĩnh, kích thước 45,5x90,5cm của Nguyễn Đức Nùng, tác phẩm được Bác Hồ đích thân duyệt trước khi thể hiện thành tác phẩm sơn mài cỡ lớn, 160x320cm. Năm 1957, từ phác thảo này, tác phẩm sơn mài Xô Viết Nghệ Tĩnh do 6 tác giả mỹ thuật Đông Dương thực hiện, gồm: Phạm văn Đôn, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Đức Nùng. Theo Trưởng phòng Trưng bày và Giáo dục Vương Lê Mỹ Học, đây là tác phẩm có kích thước lớn nhất, do nhiều tác giả thực hiện nhất cho đến nay được trưng bày cố định tại Phòng sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cùng các tác phẩm khác của ông như Kết nạp Đảng trong tù, Đánh chiếm Bắc Bộ phủ…
Về bản phác thảo trên bột màu Xô Viết Nghệ Tĩnh, mặc dù kích thức nhỏ song người xem có thể thấy rõ các đường vạch kẻ bằng bút chì, khẩu hiệu Giảm sưu thuế, Chống khủng bố trắng, hình ảnh cờ Đảng… Xem tác phẩm, công chúng có thể hiểu hơn câu chuyện lịch sử, về một địa danh, về cuộc biểu tình đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên năm 1930 với vũ khí thô sơ vùng lên đi theo Đảng. Mặc dù bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố cũng không ngăn cản được phong trào đấu tranh của quần chúng nông dân, càng làm cho cuộc đấu tranh thêm sục sôi khiến cho chính quyền thực dân hoảng sợ.
“Tác phẩm tái hiện cao trào cách mạng đầu tiên của quần chúng công nông do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, là cuộc tổng diễn tập đầu tiên trong cả nước để chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phác thảo này sau đó còn được chỉnh sửa một số chi tiết để trở thành tác phẩm hoàn chỉnh”, họa sĩ Vương Lê Mỹ Học thông tin.
Họa sĩ Ngô Duyên, chủ nhân tác phẩm màu nước Lán của Bác ở Pắc Bó trưng bày trong triển lãm cho biết, trước đây họa sĩ không có nhiều phương tiện như hiện nay, nên nét vẽ là phương tiện hữu hiệu nhất, chân thực nhất để kể lại lịch sử. Họa sĩ Ngô Duyên kể, khoảng năm 1978 - 1979, ông cùng họa sĩ Phạm Đức Cường lên vùng Cao Bằng để ghi chép tư liệu về Bác, về Đảng để xây dựng tác phẩm. Trong thời gian khá dài tại đây, ông gặp người dân, nghe họ kể các câu chuyện về Bác để rồi sau đó tư tưởng, hình ảnh, mong ước đều được thể hiện trong các tác phẩm về chủ đề này.
"Các tác phẩm của tôi và nhiều họa sĩ giới thiệu tới công chúng hôm nay khẳng định thêm truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua, như tinh thần của triển lãm, gửi lời chúc tốt đẹp nhất, một chuyến du xuân an lành, may mắn đầu năm tới công chúng", họa sĩ Ngô Duyên nói.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/95-mua-xuan-co-dang-qua-my-thuat-post402454.html