Rưng rưng những mùa Tết tuổi thơ
Cùng với sự phát triển của đất nước, mỗi phận người đều trải qua những cái Tết chẳng giống nhau. Nhưng chờ Tết để được ăn một miếng ngon, mặc được tấm áo mới ở vào thời khốn khó thì không thể nào quên dù đi cùng trời, cuối đất.
Tết bây giờ không đến nỗi phải lo toan từng miếng ăn, cái mặc như ngày xưa. Người ta không còn phải đợi đến Tết để… được ăn no, mặc đẹp. Nhưng không vì thế mà vị Tết ngày càng nhạt dần.
Những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, Tết ở Bảo Vinh A lúc bấy giờ vẫn không khác ngày thường là bao. Chỉ khác là có cơm trắng, bánh phồng củ mì, bánh tét, mứt gừng và được mặc áo mới.
Không chỉ anh em tôi, mà bạn bè trong ấp cả năm đều phải mặc áo may từ bao đất đắp đồn của Mỹ, hễ áo thằng anh ngắn và chật thì giao cho thằng em. Vì vậy, chúng tôi phải nhặt những mảnh dù trái sáng để dành cho mẹ may áo mới ngày Tết.
Trẻ háo hức Tết ngoài được áo mới, còn có ý thức đợi chờ điều rất thực, đó là quà “lì xì” của người lớn, đó là nhưng cái bánh phồng làm bằng củ mì. Khoảng mùng 10 tháng Chạp trở đi, cứ vào tầm 4-5h sáng, tiếng quết bánh phồng nhịp chày đôi “cùm - cụp, cùm - cum” khiến đám trẻ chúng tôi nôn nao đến lạ thường. Hình ảnh những chiếc bánh phồng tròn trịa như mặt trăng được phơi trên những tấm phên tre đã trở thành huyền tích tại Bảo Vinh thời bấy giờ. Bánh phồng quết xong thì cũng bắt đầu giai đoạn gói bánh tét. Có thể nói, đây là công việc của giới “chân yếu, tay mềm”. Những tàu lá chuối được rọc ra, phơi cho héo héo từ buổi sáng, được trải ra để từ từ với những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của các bà, các chị chị. Những đòn bánh tét được thực hiện khá đơn giản với lớp nếp bao quanh nhân mỡ, hành, đậu xanh hoặc chuối xiêm chín, bên ngoài bọc lớp lá chuối có dây lạt buộc chặt.
Tuổi thơ của tôi, Tết năm nào tôi cũng được ngồi “canh me” nồi bánh tét trong đêm khuya. Mặc dù trời đã khuya nhưng trong cái không khí ấm áp của mùa xuân, mẹ thường kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về chuyện giặc giã, chuyện cực khổ của người dân trong “ấp chiến lược”.
Đã sống gần hết cuộc đời, đôi chân đã đi khắp đất nước, mà cứ mỗi độ giữa đông trở đi, lòng lại náo nức, rưng rưng nhớ về những mùa Tết thời tuổi thơ. Cũng không biết đã bao lâu, tiếng quết bánh phồng đã thuộc về quá khứ, lớp lớp người xưa đã ra người thiên cổ, những mái nhà tranh đã biến thành biệt thự; bếp ga, bếp điện thay cho bếp củi… không còn không gian cho chày cối, sân phơi.
Phát triển là quy luật của xã hội. Biết vậy nhưng hoài niệm là “quy luật” của người già không cưỡng được. Nhìn xấp bánh phồng mới mua ở chợ về - những cái bánh phồng “công nghiệp” được nêm nếm theo công thức cái nào y cái đó - bao nhiêu ký ức về những mùa Tết xưa cứ làm trái tim tôi thon thót nhớ.