95 năm khẳng định vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân

Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Bữa cơm công đoàn” do Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc Công ty TNHH Kuo Yuen Tây Ninh (Khu công nghiệp Thành Thành Công, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng) tổ chức cho công nhân. Ảnh: Tố Tuấn

“Bữa cơm công đoàn” do Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc Công ty TNHH Kuo Yuen Tây Ninh (Khu công nghiệp Thành Thành Công, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng) tổ chức cho công nhân. Ảnh: Tố Tuấn

Sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ XIX. Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến với hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân; duy trì nền kinh tế lạc hậu dựa vào sản xuất tiểu nông là chính, cơ sở kinh tế công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển.

Sau cuộc xăm lăng và bình định đã cơ bản hoàn thành, thực dân Pháp liền bắt tay tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất với quy mô mở rộng cả nước. Các nhà máy rượu bia, vải sợi, điện nước, ngành đường sắt, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê… lần lượt ra đời, cùng với đó đội ngũ những người công nhân Việt Nam đầu tiên được hình thành.

Họ là những người nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, những người thợ thủ công bị phá sản buộc phải vào làm việc trong các doanh nghiệp tư bản Pháp. Theo số liệu thống kê trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tổng số công nhân của Việt Nam khoảng trên 10 vạn người, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn: Hà Nội, Sài Gòn - Chợ Lớn, Hải Phòng và vùng mỏ Quảng Ninh.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, để bù đắp những tổn thất, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô và tốc độ lớn hơn trước. Chúng tăng cường đầu tư vào các ngành khai khoáng, giao thông vận tải, đồn điền, công nghiệp chế biến, dệt may… nhằm tăng cường vơ vét và bóc lột ở các nước thuộc địa. Thời kỳ này, số lượng công nhân Việt Nam đã phát triển nhanh chóng lên đến trên 22 vạn người vào đầu năm 1929.

Dưới sự áp bức bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức tập hợp lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 1920, người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng vận động thành lập Công hội Ba Son ở Sài Gòn, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

Công hội đỏ Bắc kỳ - Tiền thân của Công đoàn Việt Nam hiện nay

Quá trình hình thành và phát triển của Công hội đỏ Bắc kỳ gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu thế kỷ XX. Người đã tham gia Công đoàn hải ngoại Anh khi hoạt động tại Luân Đôn trong những năm 1914-1917; gia nhập Công đoàn Kim khí quận 17 Paris vào năm 1919.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Người chỉ dẫn: “Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có tình cảm; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Tháng 6.1925, Người sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu - Trung Quốc và trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao lý luận chính trị cho học viên.

Những năm 1925-1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3.1929), đặc biệt là sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6.1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức công nhân mà Nguyễn Đức Cảnh là một trong những sáng lập viên và giữ vai trò quan trọng. Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương lâm thời phân công phụ trách công tác vận động công nhân.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tổ chức Công hội, của công nhân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, bóc lột, bảo vệ quyền lợi của công nhân, Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí đã tích cực tổ chức cuộc vận động phong trào công nhân, trước hết là phong trào công nhân Bắc kỳ để thành lập tổ chức Công hội.

Ngày 28.7.1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, thông qua điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra báo “Lao động” và tạp chí “Công hội đỏ”, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Hội trưởng.

Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.

Bài học kinh nghiệm

Một là, chủ động tham mưu, nắm chắc và cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn ngành, địa phương, đơn vị. Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến người lao động, huy động các nguồn lực chăm lo đoàn viên, người lao động và xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm.

Hai là, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; đầu tư cho công tác dự báo, nắm và phân tích tình hình, quan tâm thí điểm các mô hình mới.

Ba là, tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; phải đầu tư nguồn lực, đổi mới cách làm, quản trị rủi ro, coi đây là động lực thu hút, tập hợp người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.

Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp.

Năm là, xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay

Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đoàn viên, CNVLĐ.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao chất lượng công tác nữ công, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ.

Nâng cao chất lượng công tác đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam.

Xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 1- 3.12.2023 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta”.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra 7 nhóm chỉ tiêu phấn đấu hằng năm; 3 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ và 3 khâu đột phá:

Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Đại hội quyết định số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII là 177 ủy viên, đã bầu 168 ủy viên; Đoàn Chủ tịch là 31 ủy viên, đã bầu 28 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đình Khang- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh, Thái Thu Xương, Huỳnh Thanh Xuân, Nguyễn Xuân Hùng được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thanh Hà

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/95-nam-khang-dinh-vai-tro-su-menh-cua-giai-cap-cong-nhan-a175238.html