Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm
Chiều 22/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Cao Phúc, Nguyễn Tấn Đức chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ĐBQH khóa XV của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, song, cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đảm bảo kế hoạch đề ra, đạt nhiều kết quả tích cực.
Các đại biểu cho rằng, khối lượng công việc, nhiệm vụ còn lại của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2024 và dự báo nhiệm vụ phát sinh sẽ rất lớn, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2024. Vì vậy, để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết liệt hành động, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra với quyết tâm cao nhất; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và thảo luận các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện thông tin, hiện nay các dự án đấu giá đất không có nhà đầu tư tham gia, các dự án bất động sản đã đấu thầu thì các nhà đầu tư chậm thực hiện. Trong khi nguồn thu tiền sử dụng đất trung ương giao cho tỉnh quá cao, dự kiến nguồn thu thực tế của tỉnh không đạt theo kế hoạch dẫn đến khó khăn trong điều hành đầu tư công của tỉnh. Đồng thời, thời gian qua, Quảng Ngãi đã tăng cường nhiều biện pháp tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tuy nhiên đến nay hiệu quả vẫn đạt thấp.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Trọng cũng thông tin thêm về tình hình bố trí nguồn vốn đầu tư công trong năm 2024. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT thì, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm nay cơ bản bố trí đủ cho các chương trình, dự án, nhưng trong năm sau sẽ gặp khó khăn cho nguồn vốn chuyển tiếp.
Liên quan đến lĩnh vực y tế, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ trên số dân vẫn còn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi hiện chỉ đạt khoảng 8,6 bác sĩ/10 nghìn dân; toàn tỉnh thiếu khoảng 300 bác sĩ. Việc tuyển dụng bác sĩ gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức đề xuất cần có chính sách mới thu hút lực lượng bác sĩ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách đánh giá lại đúng thực trạng và điều chỉnh lại tỷ lệ tự chủ của ngành Y tế.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề khó khăn cần sớm tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Tỉnh sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” của các dự án bất động sản, khu dân cư để tạo nguồn thu từ sử dụng đất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới…
Đại biểu Trần Hoàng Vĩnh, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho rằng, mặc dù trong 6 tháng đầu năm gặp không ít khó khăn nhưng địa phương đã thực hiện đạt được nhiều chỉ tiêu của huyện đề ra. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, giảm nghèo. Khó khăn lớn nhất huyện Trà Bồng gặp phải trong thời gian qua là một số dự án bất động sản và dự án triển khai cây dược liệu trên địa bàn gặp khó, rất mong UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ.
>> Xem Video: Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung trao đổi vấn đề cử tri quan tâm về công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Kết luận phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, tình hình 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đòi hỏi phản có mức tăng trưởng rất cao để bù đắp cho kết quả còn thấp trong 6 tháng đầu năm và cả nhiệm kỳ.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá toàn diện mức độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng, cần thiết. Đồng thời thực hiện linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tích cực thu hút đầu tư theo Quy hoạch tỉnh. Hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, cụm công nghiệp…
Cũng trong phiên họp chiều nay, HĐND tỉnh đã góp ý thảo luận thông qua các nội dung về: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025; Điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách địa phương; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và mức vốn đối ứng của ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi.
Đồng thời, HĐND tỉnh cũng thảo luận thông qua các nội dung về: Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước và mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi.
Điều chỉnh và giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Điều chỉnh Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
>> Xem Video: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân kết luận phiên thảo luận:
Thực hiện: N.ĐỨC – X.HIẾU