95 năm thành lập Đảng với bài học đoàn kết làm nên sức mạnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát một luận điểm mang tính chân lý về sức mạnh của đoàn kết: 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công'. 95 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng thực hiện và giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, phát huy nguồn sức mạnh vô địch của Đảng như 'giữ gìn con ngươi của mắt mình'.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không chỉ là khẩu hiệu chiến lược, mà còn là mục tiêu lâu dài của cách mạng.

Đảng là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nên tất yếu, đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và nhiệm vụ này phải được quán triệt trong tất cả mọi lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách, tới hoạt động thực tiễn.

Trên hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Mốc khởi đầu của Đảng khi thành lập vào tháng 2-1930 chính là biểu hiện rõ nét sự chăm lo của Người đối với đoàn kết trong Đảng. Trước nguy cơ phân liệt của 3 tổ chức cộng sản, đe dọa bước tiến của phong trào cách mạng, làm rạn nứt khối đoàn kết của những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhạy bén và kịp thời hành động.

Với tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh là đồng tâm nhất trí: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương” ([1]), Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công tốt đẹp.

Hội nghị đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc thấm trong từng câu chữ của bản Cương lĩnh, thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết mối quan hệ giai cấp - dân tộc - quốc tế trong đường lối cách mạng Việt Nam.

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã trải qua nhiều thời kỳ cách mạng, trong đó đều thể hiện sự đoàn kết đúng như lời nhận định của Người: “Đảng ta tuy đông người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”.

Trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng, có thể là cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, song tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là tư tưởng cơ bản, nhất quán, là một mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong đường lối cách mạng Việt Nam.

Trong lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, thay mặt Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào: Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm tám chữ là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Đây không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà cũng là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc, vì nó là đòi hỏi khách quan của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng.

Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, chuyển hóa những đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức, thành sức mạnh vô địch, trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đồng thời cũng là trung tâm đoàn kết của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bằng tâm, trí và tấm gương sáng ngời về đạo đức để quy tụ, xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất toàn Đảng, trước hết là đoàn kết trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, trở thành linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân.

Sức hấp dẫn, quy tụ của Người tỏa ra từ phẩm cách cao quý, từ lòng nhân ái, bao dung và phong cách một vị lãnh tụ giản dị, gắn bó với nhân dân, hết lòng thương yêu nhân dân, vì nhân dân tận tâm, tận lực phụng sự. Người thường xuyên đọc báo địa phương, dành thời gian đi cơ sở, không phải để huấn thị, mà để chuyện trò, lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, thu thập thông tin, học hỏi kinh nghiệm và trí tuệ của nhân dân; từ đó suy nghĩ, rút ra những điều cần thiết, để xác định những chủ trương phù hợp, đầy sức thuyết phục.

95 năm sau, nhìn lại bối cảnh lịch sử ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, càng thấy thấm thía hơn ý nghĩa của bài học đầu tiên về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Cùng với thời gian, bài học đoàn kết đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng vẫn luôn sâu sắc, còn nguyên giá trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029 khai mạc ngày 17-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Mỗi đảng viên chính là biểu tượng của niềm tin, trí tuệ và ý chí đoàn kết của cả dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.

“Vững tin vào sức mạnh của Đảng và sự đoàn kết của toàn dân tộc, chúng ta khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới” ([2]).

VŨ THỊ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.3, tr.619

[2] Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí Ủy viên BCH TƯ Đảng các khóa, nhằm ôn lại truyền thống 95 năm lịch sử vẻ vang của Đảng; tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, Nhà nước, ngày 20-1-2025

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/95-nam-thanh-lap-dang-voi-bai-hoc-doan-ket-lam-nen-suc-manh-814035