96 gia đình Việt đỡ đầu 162 sinh viên Lào, Campuchia
Khi đưa các con về nhà, các cha mẹ nuôi đã trao đổi tâm tình, hướng dẫn các bạn sinh viên Lào, Campuchia nhiều điều trong cuộc sống gắn với văn hóa ứng xử của người Việt Nam.
Sáng 18/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM phối hợp Thành Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố tổ chức chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” năm 2024, kết nối các gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khẳng định, thông qua chương trình sẽ giúp tăng cường các hoạt động giao lưu giữa nhân dân các nước, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân thành phố và du học sinh Lào, Campuchia đang học tập tại thành phố về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đây cũng là dịp để du học sinh tham gia trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày của các gia đình Việt Nam, qua đó gắn kết tình cảm, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho các em, các cháu khi học tập xa nhà.
Theo ông Sơn, năm nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng các tổ chức thành viên và hệ thống MTTQ TP Thủ Đức cũng như các quận, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động đồng hành như: ngày hội Gia đình Việt Nam - Lào - Campuchia, hành trình về nguồn, hành trình đến với các địa chỉ đỏ trên địa bàn TPHCM, hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, tham quan, trải nghiệm…
Chia sẻ tại chương trình, bà Trương Thúy Uyên (ngụ quận 4) cho biết năm nay nhận đỡ đầu hai bạn sinh viên Campuchia. Đã nhận đỡ đầu các bạn sinh viên quốc tế đến năm thứ ba, bà Uyên cho biết nhiều “con nuôi” mới đến Việt Nam lần đầu còn lạ lẫm, nói tiếng Việt chưa rành rẽ.
Mặt khác, khi mới đặt chân đến nơi xứ lạ quê người, các bạn cũng tỏ ra lo sợ, không dám liên lạc với cha mẹ nuôi, gia đình phải tìm đến trường học của con để tạo sự thân thiện.
Khi đưa các con về nhà, các cha mẹ nuôi đã trao đổi tâm tình, hướng dẫn các con trong cuộc sống gắn với văn hóa ứng xử của người Việt Nam. “Dạy con mình đã khó, huống hồ đây là các con người nước ngoài. Rồi tính nết của mỗi con cũng khác nhau cho nên việc dạy dỗ, tạo sự thân thiện với các con là cả một nghệ thuật mà chúng tôi phải cố gắng thật nhiều, phải có tấm lòng yêu thương thật sự như các con của mình”, bà Uyên bộc bạch và nhìn nhận thông qua nhiều hoạt động đã giúp các con gắn kết, có nhiều kỷ niệm với cha mẹ đỡ đầu.
Năm 2024, Ban tổ chức chương trình đã vận động và ghi nhận có 96 gia đình, 127 sinh viên Lào và 35 sinh viên Campuchia đủ điều kiện tham gia. Cả số lượng gia đình và sinh viên đều tăng 1,5 lần so với năm 2023.