97 ký tự cổ bí ẩn trong hang Bi Ký ở Phong Nha – Kẻ Bàng
Càng đi sâu vào hang, những ký tự cổ được xác định của người Chăm viết lên trên những lớp đá thạch nhũ ở Động Phong Nha hiện ra. Bên cạnh đó, những bút tích chữ quốc ngữ được khắc lên các thành, vách động cho thấy trước đây hang Bi Ký là nơi trú ẩn của các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường 20 quyết thắng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Nhiều tài liệu còn lưu giữ về việc phát hiện và khảo sát Động Phong Nha (Bố Trạch – Quảng Bình) cho thấy, vào cuối thế kỷ XIX, giáo sỹ Lesopold Cadìere người Pháp đã từng đến ở hang Bi Ký này với mục đích nghiên cứu khảo sát. Đi sâu vào lòng động 600m, ông đã phát hiện một nhánh hang này và tìm thấy trong nhánh hang dấu tích một bàn thờ, 1 bức tượng nhỏ của Phật giáo và 97 kí tự khắc trên vách đá, do vậy ông đã đặt tên cho nhánh hang là Bi Kí.
Một người Pháp khác tên là Pavis cũng vào khảo sát nghiên cứu Động Phong Nha và viết lại những gì ông đã chứng kiến: Bên phải lối vào động, có một bàn thờ bằng gạch của người Chiêm Thành do người An Nam trét lại. Có một bức tượng đá để trên bàn thờ, cẳng chân xếp với nhau có hình chữ Vạn trước ngực, khăn cuốn đầu che kín gáy. Ông cho rằng Động Phong Nha có thời kỳ là một nơi thờ tự linh thiêng nên còn gọi là Chùa Hang. Ông còn đọc được một chữ trong số 97 chữ khắc là "Capimala".
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng - Cây đại thụ của nền sử học Việt Nam từng nói, nếu đúng "Capimala" thì nó xác định được tính chất phật giáo. Vì "Capimala" là tên gọi của một vị La Hán, tổ thứ 13 trong phật giáo. Có rất nhiều giáo sư sử học, ngôn ngữ học trong và ngoài nước đã đến đây với nỗ lực dịch được toàn bộ ý nghĩa 97 ký tự này nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có học giả nào thành công.
Trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1972, cũng chính nơi đây và trên dòng sông ngầm này là nơi cất dấu phà, thuyền, ca nô, lương thực, vũ khí và con người ... để sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có thể khẳng định rằng Động Phong Nha là một di tích thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha Kẻ Bàng cho biết: Động Phong Nha hiện tại vẫn là một bí ẩn bất tận chưa thể khám phá hết, do vậy chúng tôi vừa đưa vào chương trình du lịch trải nghiệm mới đó là "Khám phá chiều sâu bí ẩn Động Phong Nha về đêm".
"Khi chương trình này được triển khai, nhiều đoàn khách đã quan tâm đến việc khám phá những bí ẩn ở hang Bi Ký và đã có những trải nghiệm tìm hiểu và khám phá về vẻ đẹp của hang động, về những bí ẩn tồn tại trong hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng như tự chèo kayak khám phá hang động, ngắm thạch nhũ đá lung linh huyền ảo, những kí tự của người Chăm Pa cổ khắc lên vách đá, chum cổ, di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Mỹ", ông Thắng cho hay.