99% hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ lắp đặt đầu thu số hóa truyền hình vệ tinh
Hôm nay 23/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.
Trong 5 năm, từ 2016 đến nay, chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo thông tin liên lạc cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chương trình đã hỗ trợ sử dụng dịch vụ internet băng rộng cho gần 18 nghìn trường học, bệnh viện, góp phần tăng cường phổ cập dịch vụ internet cho học sinh ở các cơ sở giáo dục trên cả nước; hỗ trợ ngư dân sử dụng dịch vụ thông tin, liên lạc, tìm kiếm cứu nạn trên biển; đóng góp tích cực cho việc thực hiện đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình đến năm 2020...
Tại Quảng Trị, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chú trọng phối hợp thực hiện nhiều nội dung bao gồm: Triển khai dịch vụ truy nhập internet băng rộng tại các trường học, bệnh viện, UBND cấp xã cho gần 450 thuê bao với tổng kinh phí hơn 2,4 tỉ đồng; dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau; Dự án “Hỗ trợ thiết lập mới 500 điểm cung cấp dịch vụ truy nhập internet công cộng”; chương trình hỗ trợ cước liên lạc đường dài cho ngư dân; dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số phục vụ cho một kênh chương trình truyền hình sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT. Riêng về đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, 97% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu số hóa truyền hình mặt đất (DVB – T2); 99% hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu thu số hóa truyền hình vệ tinh (DTH).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn như: Việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và vệ sinh cho hộ nghèo và cận nghèo không đúng tiến độ đề ra; chất lượng thiết bị, đầu thu không tốt làm ảnh hưởng đến khả năng thu, xem truyền hình của người dân; một số thôn, bản chưa được tiếp cận và sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cố định do doanh nghiệp chưa phát triển cơ sở hạ tầng đến thôn, bản…
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông đã trao đổi thêm về những khó khăn, tồn tại liên quan đến chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị, đề xuất việc triển khai chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021 – 2025.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn khẳng định chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo thông tin liên lạc cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, từng bước giảm khoảng cách về hưởng thụ dịch vụ viễn thông giữa các vùng, miền... Những đóng góp tích cực của chương trình và các doanh nghiệp viễn thông đã được khẳng định và sẽ tiếp tục được phát huy; đồng thời, từ kinh nghiệm thực hiện chương trình vừa qua, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế để việc xây dựng chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao.