9X bắt tay nông dân, làm mới giá trị cà phê Việt
Thất bại khi mở một quán cà phê, Phạm Diệp Quốc Khánh không nản mà tìm cho mình hướng đi mới, nâng cao giá trị cà phê Việt bằng sự sáng tạo, chậm mà chắc.
Ông chủ 9X và những trăn trở
Trước khi sở hữu chuỗi quán cà phê của riêng mình, Phạm Diệp Quốc Khánh (26 tuổi) đã có nhiều năm đi làm nhân viên tại các tiệm cà phê lớn.
Với đam mê về mùi, vị của cà phê, thức uống quen thuộc của nhiều người trên thế giới, Khánh quyết tâm theo nghề bằng việc mở một quán cà phê. 'Lúc đó, tôi rất tự tin vào những hiểu biết của mình về ngành này từ kinh nghiệm đi làm, nhưng rồi chỉ sau 3 tháng đã thất bại', Khánh kể.
Dù vậy, Khánh không nản đến mức thay đổi đam mê mà vẫn đeo đuổi bằng việc đi học rang cà phê. Từ đây, Khánh nhận ra rằng, thói quen uống món này của người Việt thật sự không có lợi cho sức khỏe.
Những quan niệm không đúng về cà phê đen, đắng, sánh, kẹo, dậy mùi… đã ăn sâu trong nếp nghĩ khiến mọi người khi thưởng thức một ly cà phê nguyên chất, vị chua, nhạt màu thì nhận định là không ngon, cà phê nước nhì.
Điều này khiến chàng trai sinh năm 1994 trăn trở, mong muốn thay đổi thói quen ở đại đa số người Việt.
Cùng với đó, Khánh cũng muốn góp phần vào việc thay đổi cái nhìn của thế giới đối với chất lượng cà phê Việt. Thế là chàng trai trẻ xắn tay vào làm, từ việc tìm về vùng nguyên liệu ở Cầu Đất (Đà Lạt), Bảo Lộc (Lâm Đồng) đến việc phát triển cách pha chế cà phê với dụng cụ riêng biệt để tối ưu hóa chất lượng ly cà phê.
Bước tới thành công
Thời gian đầu đi tìm nguồn nguyên liệu, Khánh đến nhiều nơi ở Tây Nguyên. Thậm chí bạn còn đi hết các tỉnh thành ở Việt Nam để tìm hiểu về thị hiếu thưởng thức cà phê, nhất là vùng có trồng cà phê để xem cách người dân sản xuất, canh tác… Cuối cùng, Khánh dừng chân ở vườn cà phê của anh Vũ Động Lực ở Bảo Lộc và tìm thấy ở vợ chồng người nông dân này điểm chung là mong muốn sản xuất, cho ra thị trường cà phê chất lượng.
Từ đó, cả hai nhất trí bắt tay cùng thực hiện kế hoạch cho ra đời nguồn nguyên liệu cà phê đặc biệt.
Với quyết tâm làm bằng được việc đó, Khánh chú trọng từ cây cà phê có nguồn gốc lâu đời - giống cũ đặc biệt, rồi cả việc chăm sóc hữu cơ, đến quy trình phơi cà phê.
Theo đó, cà phê nguyên liệu Khánh chọn từ vườn anh Lực là một tấn tuyển từ 20 tấn hạt, đều chín đỏ. Trong quá trình quan sát những trái bưởi, trái quýt còn nguyên cuống sẽ giữ được lâu hơn, Khánh và cộng sự đã thử nghiệm 'cà phê treo cành' - bằng cách cắt nguyên cành cà phê chín về treo lên phơi.
Tất cả đều phơi bằng gió tự nhiên nên quy trình khô hạt lâu hơn, thay vì 15 ngày thì cách của Khánh phải tới 45 ngày. Nhưng chính sự thử nghiệm đầy khác biệt đó, rốt cuộc mang đến kết quả đầy mong đợi. 'Nhiều chuyên gia, người có am hiểu về cà phê sau khi thưởng thức cà phê treo cành đã rất ngạc nhiên về chất lượng của nó', Khánh kể.
Hiện tại, đầu ra về nguyên liệu của loại cà phê này mỗi năm chỉ 1 tấn, đã có khách hàng là chuỗi cà phê có tiếng sử dụng. Thế nhưng sắp tới, câu chuyện nâng cao giá trị cà phê Việt của Quốc Khánh không chỉ dừng lại ở đó, mà sẽ được sử dụng khép kín trong một hệ thống showroom.
Với Khánh, để có một tách cà phê ngon, thì nguyên liệu quyết định 80%, rang 15% và pha chỉ 5%.
Tuy nhiên, ở khâu nào Khánh cũng thực hiện một cách kỹ càng để sản phẩm đạt kết quả cao nhất.
Hiện Phạm Diệp Quốc Khánh đang phát triển cách pha (Uphin-Upgrate Phin) hay còn gọi là ủ cà phê. Vẫn là phin pha như thường thấy, nhưng cách pha Uphin là cho cà phê bột vào cốc ủ, bỏ vào trong ly (hoặc chén) nước nóng. Nước nóng thẩm thấu qua lỗ ở đáy cốc làm cà phê lơ lửng. Các nguyên lý của lực hút và lực đẩy sẽ tự điều tiết hạt thô nằm dưới, hạt mịn nằm trên mà không cần giấy lọc như các phương pháp trước đó trên thế giới.
'Ủ cà phê tối ưu hóa được khâu chiết xuất và giữ lại hương vị nguyên bản', Khánh nói.
Lấy kinh nghiệm từ lần thất bại và quá trình tiến tới thành công, Khánh cho biết, muốn theo ngành cà phê thì việc đầu tiên những bạn khởi nghiệp phải có đam mê, tạo ra những giá trị mới và đừng bỏ bước (vì bỏ bước thì sau đó cũng phải làm lại những bước đã bỏ).
'Các bạn cũng đừng chỉ chú trọng hình ảnh mà phần nội dung không như hình ảnh thể hiện và đừng bắt đầu làm quá lớn…', Khánh nói.