9X Việt chinh phục Pháp, về nước giải bài toán kháng thuốc

Sau thành công với thuốc nano trị ung thư tại Pháp, TS Nguyễn Phước Vinh (SN 1994) trở về nước, giải bài toán kháng kháng sinh cấp bách tại Việt Nam.

Sinh ra ở vùng quê ven biển Sông Cầu (Phú Yên), tuổi thơ của TS Nguyễn Phước Vinh, Phó trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM gắn liền với những buổi trưa nắng chang chang mò cua, bắt ốc. Những lần đổ bệnh khiến Vinh sớm cảm nhận sự nhiệm màu của những viên thuốc. Hồi học cấp ba, một câu nói của thầy chủ nhiệm đã in sâu trong tâm trí anh: “Nếu làm ra được một loại thuốc, cuộc sống của hàng triệu người có thể tốt hơn”.

 TS Nguyễn Phước Vinh, Phó trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM.

TS Nguyễn Phước Vinh, Phó trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Chính những điều giản dị ấy nuôi dưỡng trong cậu học sinh miền biển tình yêu mãnh liệt với ngành dược. Vinh quyết tâm theo học chương trình Pháp ngữ tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM, viên gạch đầu tiên trên con đường chạm tới ước mơ nghiên cứu và bào chế thuốc.

Tốt nghiệp đại học năm 2017, Vinh xuất sắc giành học bổng của Đại sứ quán Pháp, sang Đại học Paris-Sud (ĐH Paris-Saclay) học Thạc sĩ Dược học. Mới 10 tháng theo học, anh đã nhận được lời mời làm việc từ một tập đoàn dược quốc tế với mức lương hấp dẫn, nhưng Vinh từ chối để học tiếp lên Tiến sĩ. Anh chọn dấn thân vào con đường khoa học, chông gai nhưng nhiều cơ hội để phục vụ cộng đồng.

“Vũ khí nano” trong cuộc chiến với ung thư

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp, TS. Nguyễn Phước Vinh cùng các cộng sự phát triển thành công một dạng thuốc thông minh kích thước nano nhắm trúng đích tế bào ung thư vú ba âm và ung thư phổi tế bào nhỏ hai dạng ung thư có tiên lượng xấu và rất khó điều trị.

Điểm đặc biệt của loại thuốc này là sử dụng hệ dẫn nano khoảng 100 nanomet, có khả năng vận chuyển gen điều trị đến đúng các tế bào ung thư. Khi gắn lên đó các kháng thể nhận diện kháng nguyên EGFR, vốn được biểu hiện mạnh trong nhiều loại tế bào ung thư hệ nano sẽ nhắm chính xác đích bệnh mà không ảnh hưởng đến tế bào lành.

Khi kết hợp với hóa trị liệu cisplatin, hệ thống này giúp giảm một nửa liều thuốc cần thiết mà vẫn tăng gấp ba khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời giảm đáng kể tác dụng phụ. Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu còn tích hợp phương pháp đánh dấu phóng xạ để theo dõi đường đi và khả năng phân bố thuốc trong cơ thể giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị mà không cần xâm lấn.

 TS. Nguyễn Phước Vinh (bên trái) đang thực hiện nghiên cứu chế tạo thuốc thông minh trong phòng thí nghiệm.

TS. Nguyễn Phước Vinh (bên trái) đang thực hiện nghiên cứu chế tạo thuốc thông minh trong phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu này được công bố trên 5 tạp chí quốc tế uy tín và vinh dự nhận Giải thưởng Xuất sắc về Bào chế của Viện Hàn lâm Dược học Cộng hòa Pháp năm 2022.

“Điều khiến tôi luôn trăn trở là hiệu quả điều trị ung thư còn nhiều hạn chế. Thuốc hóa trị hiện nay gây tác dụng phụ nặng nề. Tôi hy vọng những nghiên cứu này có thể mở ra hy vọng mới, nhất là trong điều trị cá thể hóa”, TS Vinh chia sẻ.

Đối mặt bài toán "vùng đỏ" kháng thuốc tại quê nhà

Sau khi trở về nước vào đầu năm 2022, TS. Vinh đồng thời theo đuổi hai hướng nghiên cứu: vừa tìm kiếm đối tác để tiếp tục phát triển dự án thuốc điều trị ung thư thông minh, vừa tập trung mở rộng nghiên cứu các loại thuốc kháng sinh và kháng nấm theo hướng thân thiện với môi trường – sử dụng nguồn gốc tự nhiên hoặc công nghệ tổng hợp xanh. Mục tiêu của hướng đi này là giải quyết bài toán nhức nhối về tình trạng đề kháng kháng sinh, kháng nấm đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm bệnh nhân nhiễm trùng bệnh viện hoặc suy giảm miễn dịch.

“Trong nhiều trường hợp lâm sàng, nếu trong vòng 1–2 tuần không xác định được chính xác loại vi khuẩn gây bệnh, hoặc kháng sinh đang sử dụng không hiệu quả, nguy cơ tử vong là rất cao”, TS. Vinh chia sẻ.

 TS Vinh nhận Giải thưởng Quả cầu vàng 2024.

TS Vinh nhận Giải thưởng Quả cầu vàng 2024.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo rằng Việt Nam hiện nằm trong “vùng đỏ” về mức độ kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong y tế, nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, khiến nguồn kháng sinh hiệu quả ngày càng thu hẹp. Hậu quả là người dân ít có lựa chọn thuốc điều trị phù hợp khi mắc các bệnh nhiễm trùng phổ biến.

Từ thực tế đó, TS. Vinh và nhóm cộng sự đang định hướng phát triển các dòng thuốc kháng sinh và kháng nấm mới, phù hợp với mô hình bệnh tật đặc thù tại Việt Nam, tập trung vào nhóm bệnh truyền nhiễm và công tác phòng chống dịch.

Hiện nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm kết hợp các hoạt chất thông dụng với thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ kháng thuốc. Các phương án này được thiết kế sao cho có thể sử dụng riêng biệt hoặc phối hợp tùy thuộc chỉ định của bác sĩ nhằm tối ưu hóa tác dụng, đặc biệt trong các ca nhiễm nấm có nguy cơ kháng cao.

Việc nghiên cứu và phát triển một loại thuốc hoàn toàn mới là quá trình dài hơi, có thể mất hàng năm và tốn kém hàng triệu USD. Vì vậy, trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, việc tập trung sản xuất các loại thuốc generic (thuốc bản tương đương sinh học) vẫn rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp chủ động nguồn cung, mà còn góp phần hạ giá thành điều trị, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận thuốc của người dân trong nước.

TS. Vinh đã có 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế; 9 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 (7 bài là tác giả chính); 1 bài báo thuộc danh mục Q2 (đồng tác giả); 4 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (đồng tác giả); Giải thưởng xuất sắc về bào chế năm 2022 của Viện Hàn lâm dược học Cộng hòa Pháp; Giải nhất Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ ngành y tế năm 2022...

Vừa qua, TS. Nguyễn Phước Vinh là 1 trong 14 gương mặt được trao danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM. Anh cũng là chủ nhân của Giải thưởng Quả cầu vàng 2024.

Mai Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/9x-viet-chinh-phuc-phap-ve-nuoc-giai-bai-toan-khang-thuoc-post1554151.html