Ða dạng hình thức tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
ĐBP - Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở tỉnh ta dù vẫn ở mức cao so với cả nước song đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên; nhóm tuổi tảo hôn của người dưới 14 tuổi chiếm tỷ lệ thấp; nhiều huyện, thị cũng đã giảm đáng kể về số người tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Cán bộ dân số tuyên truyền chính sách Dân số - KHHGÐ tại xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng).
Số liệu từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ), năm 2018 nhóm tuổi tảo hôn của người dưới 14 tuổi toàn tỉnh chiếm 2,5% trong tổng số người tảo hôn; đến năm 2019, nhóm tuổi này chỉ còn chiếm 1,8%. Ngoài ra, số người tảo hôn năm 2019 ở một số huyện cũng giảm so với năm 2018, như: Tuần Giáo giảm 22 người (năm 2018 có 155 người); Ðiện Biên Ðông giảm 11 người (năm 2018 có 172 người); Mường Nhé giảm 50 người (năm 2018 có 142 người), huyện Ðiện Biên giảm 6 người (năm 2018 có 141 người)… Ðối với tình trạng hôn nhân cận huyết thống, năm 2018, toàn tỉnh có 12 người trong tổng số người kết hôn (chiếm 0,26%); đến hết năm 2019, toàn tỉnh không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết…
Ðể có được kết quả trên, Chi cục Dân số - KHHGÐ tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, địa phương đa dạng hoạt động truyền thông với nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên loa phát thanh… từ đó làm thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống cao.
Không chỉ chú trọng tuyên truyền trong cộng đồng xã, bản, khu dân cư, công tác truyền thông trong môi trường học đường, nhất là ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Thông qua hướng dẫn của những người làm công tác dân số, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, nhiều đơn vị trường tổ chức các buổi ngoại khóa, hội thi cho học sinh tìm hiểu về giới tính, sân khấu hóa bằng những tiểu phẩm sinh động, đặc sắc giúp học sinh nâng cao nhận thức, có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như những điều nên tránh ở tuổi vị thành niên.
Em Lò Anh Tuấn, học sinh Trường THPT huyện Mường Ảng chia sẻ: Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của tảo hôn… do các cô chú ở Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện tuyên truyền đã trang bị cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích, giúp chúng em tránh những điều không tốt.
Thực hiện mục tiêu giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh cũng có nhiều hoạt động tích cực, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2015. Ông Mùa A Giang, Trưởng phòng Dân tộc - Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Bên cạnh việc hướng dẫn tổ chức, thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho một số xã theo Ðề án, từ năm 2016 - 2019, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND cấp xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân ở các địa phương có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo với tổng số 50 xã, gần 4.000 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung về việc cung cấp thông tin pháp luật về dân số, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình tới người dân. Cùng với đó là tuyên truyền về tác hại, hậu quả, hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra.
Theo ông Mùa A Giang, có thể nói, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua dù đã đa dạng và có nhiều chuyển biến, song do tập quán tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số đã tồn tại trong thời gian dài nên để thay đổi cần quá trình. Cùng với đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, từ đó đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.