Ða dạng nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn

ĐBP - Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển 'tam nông' (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Ðiện Biên (Agribank huyện Ðiện Biên) đã triển khai nhiều hình thức đưa vốn đến với người dân trên địa bàn. Nguồn vốn nông nghiệp đã giúp nhiều hộ dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Khách hàng giao dịch tại Agribank huyện Ðiện Biên.

Khách hàng giao dịch tại Agribank huyện Ðiện Biên.

Ðể nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, Agribank huyện Ðiện Biên luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai các gói tín dụng phù hợp. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến về nguồn vốn cho vay theo Nghị định 55/2015/NÐ-CP (thay thế Nghị định 41) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và các dự án sản xuất, kinh doanh, phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa… Nghị định 55 đã tháo gỡ nhiều khó khăn về vốn cho các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã; tuy nhiên mức cho vay đối với khách hàng không có tài sản đảm bảo vẫn còn thấp, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia. Vì vậy, ngày 7/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NÐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/10/2018) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này. Theo Nghị định 116, mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo tăng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ để phù hợp với nhu cầu vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp thực tế hiện nay. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay 100 triệu đồng (hạn mức cũ là 50 triệu đồng); cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay 200 triệu đồng (hạn mức cũ là 100 triệu đồng).

Ông Nguyễn Huy Thực, cán bộ Agribank huyện Ðiện Biên cho biết: Ðầu tư cho “tam nông” được xác định là lĩnh vực cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của đơn vị. Những năm qua, Agribank huyện Ðiện Biên chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, triển khai hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của nông dân. Ngoài mô hình tổ vay vốn, từ năm 2018 Agribank huyện Ðiện Biên đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng phục vụ nhu cầu người dân vùng sâu, vùng xa. Ðến nay Agribank huyện Ðiện Biên đã triển khai điểm giao dịch lưu động tại các xã vùng ngoài như: Núa Ngam, Mường Nhà, Na Tông, Thanh Nưa… Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân tiếp cận nguồn vốn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến nay tổng dư nợ toàn huyện đạt 1.500 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn 1.315 tỷ đồng (chiếm 87,67% tổng dư nợ), với tổng số 5.300 khách hàng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khách hàng có nhu cầu vay vốn sẽ được phân theo các chương trình cho vay: Chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn… Từ nguồn vốn vay “tam nông”, nhiều hộ nông dân, đặc biệt các hộ nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Trong đó, một số hộ dân đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bài ảnh: Thu Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/170621/%C3%B0a-dang-nguon-von-cho-vay-nong-nghiep-nong-thon