Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Công nghiệp Mỏ và Năng lượng Việt Nam

Sáng 15/11, tại Quảng Bình, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam (Hội KH&CN Mỏ Việt Nam) phối hợp cùng Hội Dầu khí Việt Nam (Hội DKVN) đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Giảm phát thải khí nhà kính: Những cơ hội và thách thức đối với ngành Công nghiệp Mỏ và Năng lượng Việt Nam'.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Bộ Công Thương (Vụ Dầu khí - Than), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); cùng đông đảo các cán bộ, chuyên viên tại các Cục, Vụ, Viện của Bộ Công Thương, đại diện các phòng/ban của Petrovietnam, TKV và các chuyên gia từ các hội/chi hội thuộc Hội KH&CN Mỏ Việt Nam và Hội DKVN.

Các đại biểu điều hành Hội thảo.

Các đại biểu điều hành Hội thảo.

TS. Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội KH&CN Mỏ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội KH&CN Mỏ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Xuân Hòa - Chủ tịch Hội KH&CN Mỏ Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải và chống biến đổi khí hậu; cùng với việc Việt Nam đã ký Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1992 và tại Hội nghị COP26, Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050..., Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, trao đổi kiến thức, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, giải pháp đã, đang và sẽ triển khai trong các phân ngành năng lượng than và dầu khí, nhằm đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải mà Chính phủ đề ra.

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA phát biểu chào mừng Hội thảo.

TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA đánh giá cao sự phối hợp tổ chức Hội thảo khi đây là lần đầu tiên hai Hội đồng tổ chức hội thảo khoa học quy mô toàn quốc trong bối nền kinh tế Việt Nam đang dần có những bước phát triển mới và hội nhập quốc tế. Hội thảo sẽ tổng hợp được những kiến nghị, giải pháp của nhiều chuyên gia, đó sẽ là những tư liệu, căn cứ quan trọng nhằm kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước trong phát triển kinh tế carbon thấp.

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN chia sẻ báo cáo khoa học với chủ đề "Hiện thực hóa chuỗi dự án: Khí điện LNG và điện gió ngoài khơi theo quy hoạch năng lượng quốc gia và quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp".

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN chia sẻ báo cáo khoa học với chủ đề "Hiện thực hóa chuỗi dự án: Khí điện LNG và điện gió ngoài khơi theo quy hoạch năng lượng quốc gia và quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp".

Trong phiên trình bày các báo cáo khoa học tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN chia sẻ báo cáo với chủ đề "Hiện thực hóa chuỗi dự án: Khí điện LNG và điện gió ngoài khơi theo quy hoạch năng lượng quốc gia và quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp". Trong đó nhận định, việc hiện thực hóa các dự án điện khí LNG và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch năng lượng quốc gia là một thách thức lớn. Các khó khăn chính bao gồm vấn đề cơ chế chính sách, thiếu hướng dẫn cụ thể trong việc điều chỉnh Quy hoạch điện và thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án mới. Bên cạnh đó, việc thu xếp vốn cho các dự án điện lớn gặp khó khăn do giới hạn tín dụng và thiếu cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước như Petrovietnam, EVN, TKV.

Trong đó, với các dự án điện khí LNG, thách thức lớn là thị trường tiêu thụ điện khí chưa phát triển và thiếu cơ chế bảo lãnh cho việc chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế. Ngoài ra, hiện chưa có quy định về việc bao tiêu sản lượng điện từ điện khí LNG, cũng như chưa có cơ chế chuyển giá khí sang giá điện cho các nhà máy điện khí LNG. Các vấn đề này tạo ra khó khăn trong đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán khí LNG và điện tương ứng.

TS. Nguyễn Quốc Thập đề xuất và kiến nghị 6 nhóm giải pháp. Trong đó, cần nghiên cứu xây dựng Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có nhu cầu sử dụng điện đủ lớn; Thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG, điện gió ngoài khơi; Đa dạng hóa việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là truyền tải cho các nhà máy điện khí LNG và điện gió ngoài khơi...; Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có lĩnh vực năng điện khí LNG, điện gió ngoài khơi.

Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo.

Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã có những chia sẻ về các vấn đề Net Zero, cải thiện điều kiện khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển sản xuất xanh, công nghệ carbon thấp chuyển đổi năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm... với tổng cộng 42 báo cáo, tham luận của nhiều chuyên gia.

Hội KH&CN Mỏ Việt Nam và Hội DKVN đã trao 100 triệu đồng hỗ trợ nhân dân Quảng Bình khắc phục thiên tai.

Hội KH&CN Mỏ Việt Nam và Hội DKVN đã trao 100 triệu đồng hỗ trợ nhân dân Quảng Bình khắc phục thiên tai.

Cũng trong dịp này, Hội KH&CN Mỏ Việt Nam và Hội DKVN đã trao ủng hộ đồng bào tỉnh Quảng Bình 100 triệu đồng nhằm hỗ trợ, chia sẻ những thiệt hại, mất mát của người dân do đợt bão lũ vừa qua gây ra.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trần Trung - Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-nganh-cong-nghiep-mo-va-nang-luong-viet-nam-720633.html