Ða dạng phương pháp tuyên truyền để bảo vệ rừng tốt hơn
ĐBP - Tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ đó nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Ðể nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cùng với việc thực hiện tốt các phương pháp tuyên truyền truyền thống, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua hỗ trợ các sản phẩm truyền thông tới hàng nghìn học sinh. Việc làm thiết thực này giúp hàng nghìn học sinh vượt khó tới trường; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng; thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) tìm hiểu sản phẩm truyền thông của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
Ðầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Núa Ngam (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên) trao những phần quà là sản phẩm hỗ trợ truyền thông của Quỹ tới tận tay học sinh. Gần 2.300 phần quà là vở viết, ba lô, áo khoác được trao tới các em đều được in lô gô của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Nhận những phần quà thiết thực ấy, các em đều vui mừng, phấn khởi. Bởi không ít học sinh được nhận phần quà hôm ấy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình không có điều kiện sắm sửa trang phục, đồ dùng học tập đầy đủ để các em tới trường. Em Lò Thị Thương, học sinh lớp 9C3 được nhận quà rưng rưng xúc động. Thương cho biết, hơn 1 năm trước do bất cẩn ngôi nhà của gia đình em đã bị cháy rụi, đồ đạc, tài sản trong nhà cũng tàn theo ngọn lửa, cuộc sống gia đình em càng khó khăn hơn. Nhờ sự quan tâm của các thầy, cô giáo trong trường, sự hỗ trợ của bà con trong xã và những phần quà thiết thực từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, góp phần giúp gia đình vơi bớt khó khăn, em được tiếp tục tới trường. Không chỉ với Thương mà với các bạn trong trường cảm nhận, các sản phẩm truyền thông của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều gần gũi, thiết thực. Mỗi khi mở trang vở viết bài, đeo ba lô đi học, khoác chiếc áo ấm tới trường chúng em càng hiểu hơn ý nghĩa quý giá của việc chung tay bảo vệ rừng, giữ rừng - giữ lá phổi xanh, để điều hòa khí hậu, có nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất và được hưởng lợi từ rừng.
Thầy giáo Tường Duy Trung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Núa Ngam cho biết, Năm học 2019 - 2020 nhà trường có hơn 400 học sinh, trong đó nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ðể nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng cho học sinh, trong quá trình học tập các thầy cô giáo đều liên hệ tới mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng phù hợp với từng môn học, nội dung bài học. Bên cạnh đó, các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt của học sinh trong trường đều được gắn với thiên nhiên, giúp các em hiểu hơn những giá trị, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển rừng mang lại. Với sự hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh bằng những sản phẩm truyền thông về chính sách chi trả DVMTR vừa giúp các em có thêm dụng cụ học tập, trang phục tới trường và đặc biệt là giúp các em thêm kiến thức, nâng cao ý thức giữ rừng để được hưởng lợi từ rừng.
Ða dạng hóa các phương pháp tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR từ nhiều năm qua đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chú trọng thực hiện. Theo đó, không chỉ chủ rừng, người dân được tuyên truyền về chính sách mà các đối tượng khác, như: học sinh, già làng, trưởng bản… cũng được truyền thông để nâng cao nhận thức, chung tay bảo vệ rừng. Nhân dịp đầu năm học mới 2019 - 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trao 54.000 quyển vở viết, ba lô, áo khoác (50.000 quyển vở, 2.000 chiếc ba lô và 2.000 áo khoác) cho học sinh 24 trường THCS nằm trong lưu vực cung ứng DVMTR thuộc các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo. Bà Ðặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh khẳng định: Chính sách chi trả DVMTR có ý nghĩa nhân văn, góp phần cải thiện đời sống của người dân sống bằng nghề rừng. Nguồn lực có được từ việc chi trả tiền DVMTR đã góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho những hoạt động bảo vệ, phát triển rừng. Vì vậy, đa dạng các hình thức tuyên truyền được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Do đó, học sinh là một trong những đối tượng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng tới để truyền thông nhằm giúp các em có thêm kiến thức, nâng cao nhận thức trong việc chung tay bảo vệ, giữ rừng. Và trong thời gian tới, Quỹ sẽ có thêm nhiều hoạt động thông qua việc hỗ trợ các sản phẩm truyền thông gần gũi tới học sinh và người dân để thêm nhiều người hiểu rõ hơn về lợi ích của việc bảo vệ, phát triển rừng và ý nghĩa to lớn của chính sách chi trả DVMTR mang lại.