Á hậu giàu có nhưng không 'bỏ tiền' mua bánh chưng chỉ vì một lý do
Giàu 'nứt đố đổ vách', song Á hậu Trịnh Kim Chi vẫn quyết không 'bỏ tiền' mua bánh chưng vì lý do vô cùng đặc biệt.
Năm nào cũng gói 60-70 chiếc bánh chưng
Tết năm nào cũng thấy gia đình NSƯT Trịnh Kim Chi quây quần gói bánh chưng. Chị nói gì về điều đặc biệt này?
Tôi thấy, Tết vui nhất là mấy ngày sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa, quây quần gói bánh chưng. Truyền thống của gia đình tôi 3 đời nay từ bà ngoại, mẹ tôi và đến vợ chồng tôi vẫn giữ nếp riêng này. Đến hẹn lại lên, vào khoảng 26-27 Tết, mọi người trong gia đình lại đoàn tụ, cùng xắn tay gói bánh chưng, quây quần bên bếp lửa hồng nấu bánh, ôn lại chuyện của một năm sắp qua.
Đã thành nếp, nên con cháu ai cũng mong chờ dịp đặc biệt này để “trổ tài”. Thậm chí, các con tôi còn dặn mẹ lên lịch gói bánh vào chiều tối để được thức nguyên đêm trông nồi bánh chưng. Thực sự, tôi rất thích không khí ấy, được sum vầy, nói chuyện, trêu đùa nhau thoải mái. Cái cảm giác vui vẻ, ấm áp, quây quần bên nồi bánh chưng thật ý nghĩa biết nhường nào.
Số lượng bánh năm này nhà mình gói có thay đổi gì so với những năm trước không?
Năm nào cũng vậy, nhà tôi gói khoảng 60-70 chiếc. Số lượng “khủng” vậy nhưng gia đình tôi ăn nhiều lắm chỉ độ vài ba cặp là kịch điểm(Cười). Số bánh còn lại chia đều cho người thân, họ hàng nội ngoại và làm quà biếu bạn bè thân thiết. Nhiều vậy thôi nhưng cuối cùng đâu lại vào đó hết.
Cảm giác quây quần nấu nồi bánh chưng ngày ấy – bây giờ khác nhau nhiều không chị?
Có lẽ, do năm nào gia đình cũng gói bánh, nên tôi thấy không khí đoàn viên ấm áp vẫn giữ trọn vẹn. Nếu khác, có chăng là mỗi năm lại có thêm nhiều câu chuyện thú vị, mới lạ, giúp bữa “đại tiệc” gói bánh, canh nấu bánh thêm phần rôm rả hơn.
Chỉ có một năm duy nhất cũng khá lâu rồi, tôi đi nước ngoài không về kịp, một số thành viên cũng bận, nên quyết định không gói bánh chưng. Ấy vậy mà, cảm giác thiếu vắng, khó chịu lắm. Đã thành thói quen, nếp nhà ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, bỗng nhiên mất đi cảm giác hụt hẫng lạ lắm.
Từ năm đó trở đi, tôi tự nhủ không thể nào không gói được, dù bận rộn cỡ nào vẫn cố gắng ngồi lại với nhau một bữa cùng gói bánh.
Có tiền mua bánh thì dễ lắm
Xu hướng hiện nay, nhiều gia đình lại chuộng mua hoặc đặt bánh chưng, thay vì tự gói lấy, cho đỡ tốn công sức và thời gian. Quan điểm của chị ra sao?
Thực ra, nhiều người cũng nói với tôi, nấu làm gì cho mất công, bây giờ có tiền, chỉ cần gọi đặt bánh là họ mang đến tận nhà. Việc này thì dễ lắm, ai cũng làm được. Nhưng, để tổ chức được một buổi có đầy đủ thành viên trong gia đình, mỗi người một việc, cùng gói bánh không hề dễ. Vậy mà, gia đình tôi 3 đời nay vẫn giữ được nếp truyền thống đó. Tất nhiên, có tiền bạc, có điều kiện, thì việc gì cũng dễ dàng hơn, đỡ tốn công mất sức hơn, nhưng điều trân quý ở đây chính là công sức và tình cảm gia đình được gói ghém trong từng chiếc bánh. Không dễ gì mà có được!
Tôi thấy, cả năm ai bận việc của người ấy nên ít có cơ hội gặp gỡ, quan tâm nhau. Thế nên, chỉ cần một bữa cả nhà quây quần gói bánh, cũng là dịp gắn kết tình cảm gia đình. Như gia đình tôi, năm nào cũng có một ngày để mọi người trong nhà không ai bảo ai, đều chủ động sắp xếp việc riêng cùng quây quần gói bánh chưng. Đã thành nếp, nếu ai không tham gia được sẽ cảm giác rất thiệt thòi.
Vậy, các con chị tham gia thế nào vào “sự kiện” đặc biệt này?
Từ lúc các con còn bé, tôi đều cho các bé tham gia vào “sự kiện” đặc biệt này của gia đình. Khi các con lớn hơn và hiểu việc, tôi chỉ cho các con từng bước từ ngâm gạo, nấu đậu và học cách tự gói cho quen tay.
Mấy năm gần đây, tôi luôn đặt chỉ tiêu mỗi bé phải gói được 2 chiếc bánh. Tôi dạy con như vậy để sau này khi tôi có tuổi không gói được bánh nữa, các con sẽ tiếp nối truyền thống gia đình. Tôi không muốn cái nếp đẹp này bị đứt quãng.
Bây giờ, Tết đến mà tôi giả vờ bảo không gói bánh chưng là không được với các con đâu (Cười). Các con thậm chí con mong chờ hơn cả mình. Thấy các con hào hứng, cùng xắn tay gói bánh, thức xuyên đêm nấu bánh, cười đùa rôm rả là tôi vui và hạnh phúc lắm!
Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị!