Á hậu Trần Vân Anh: Bốn mùa và em
Công chúng được tái ngộ Á hậu Hoa hậu Việt Nam 1990 Trần Vân Anh, không phải ở xuân thì phù dung của chị, cũng không phải ở mùa thu từng trải chiêm nghiệm sau một thời gian dài mai danh ẩn tích, mà đúng hơn, một mùa xuân tinh thần tươi mới hậu 'ngủ đông' – một người hát muốn lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng...
Việc quyết định rời xa khỏi ánh sáng của công chúng, ngoại cảnh hay hữu ý, đều hàm chứa một câu chuyện. Cũng như bên ngoài “thế giới showbiz” vẫn tồn tại một thế giới song song và bao trùm, thế giới của cá nhân và nội tâm riêng tư. Đôi khi sự buông bỏ thế giới phù hoa ngoài tại có thể là một lựa chọn để cởi bỏ chiếc mặt nạ xã hội nặng nề và tìm về thế giới nội tâm, nơi ta được là mình nhất, bình yên nhất.
Dường như đây cũng là lựa chọn của Trần Vân Anh. Khoảng thời gian cuối những năm thập niên 80 – đầu 90 là đỉnh phong về sự thịnh hành lẫn lưu lượng quan tâm đến chị, với tư cách là một trong những gương mặt người mẫu tiên phong sáng giá hàng đầu, cùng với danh hiệu Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong năm 1990 (tiền thân của Hoa hậu Việt Nam ngày nay).
Sự biến mất gần như hoàn toàn của chị sau cuộc thi để lại một dấu hỏi lớn với dư luận và công chúng.
Trong tâm trí của Trần Vân Anh, danh hiệu Á hậu cũng như cuộc thi Hoa hậu năm 1990 không mang dấu ấn sâu đậm nhất bằng một cuộc thi quy mô nhỏ hơn diễn ra trước đó. Ít ai biết, trước khi đại diện TP.HCM thi Hoa hậu, thì Trần Vân Anh đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi Hội Thời trang Trẻ năm 1990 do Hội Liên hiệp Thanh niên và báo Người Lao Động đồng tổ chức, với tôn chỉ xúc tiến và quảng bá người Việt dùng hàng Việt.
Khoảnh khắc đọng lại mãi trong chị là khi bước xuống sân khấu sau màn trình diễn trong trang phục sử dụng vải nội địa, khán giả đã ùa đến để sờ… vào vải. Với chị, đây chính là thời khắc khơi dậy một tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu đất nước da diết, điều ý nghĩa hơn tất thảy mọi danh hiệu.
Sau quãng thời gian bằng bẵng biệt tăm, Trần Vân Anh đã “dũng cảm” quyết định trở lại bằng một album mang tên Bốn mùa và em, trong đó thể hiện 10 ca khúc trữ tình kinh điển về mùa của các nhạc sĩ quen thuộc như Văn Cao (Mùa xuân đầu tiên), Ngô Thụy Miên (Mùa thu cho em), Lê Hựu Hà (Vào hạ), Đức Huy (Mùa đông sắp đến trong thành phố)...
Hẳn người ta sẽ lại nghĩ, cô này chắc là người đẹp đua đòi đi hát, hay là đang tìm cách trục vớt lại dĩ vãng hoàng kim xưa? Nhưng cái đẹp mà Trần Vân Anh công diễn, không còn là cái đẹp ngoại diện ngày xưa, mà là cái đẹp vọng từ nghệ thuật.
Khởi duyên với nghệ thuật của Trần Vân Anh ngay từ thuở ấu thời. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, chị được tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật như điện ảnh, thi ca, hội họa và âm nhạc từ rất sớm. Kết quả của sự quyện hòa giữa thi và họa, lại khai sinh một tình yêu dành cho âm nhạc, cũng chứa đựng màu sắc (âm sắc) và ngôn từ (lời ca).
Một trong những lý do khác khiến chị chọn âm nhạc, bởi âm nhạc đồng thời cũng là một phương thức duy mỹ chữa lành tinh thần hiệu quả. Đặc biệt vào thời điểm hậu-đại dịch, chị nhận ra rằng mình và mọi người xung quanh không những hứng chịu những hệ lụy sụt giảm về mặt thể lý, mà còn gánh chịu những suy nhược về tâm lý như căng thẳng, hoang mang, cô đơn, và thậm chí bi quan trầm cảm. Nghe nhạc, chơi nhạc hay hát giúp giải phóng hormone tích cực nâng cao tinh thần, giảm mức độ căng thẳng và hỗ trợ quá trình phục hồi.
Chị bộc bạch rằng mình không dám là một ca sĩ, mà đơn thuần chỉ là một người hát, hay người kể chuyện bằng âm nhạc. Chị còn dí dỏm: “Thôi thì mình là ca nhân truyền cảm hứng cho bạn đồng lứa U60 vui sống, là trẻ mẫu giáo lạc vào khu vườn âm nhạc cho yêu đời”. Khu vườn âm nhạc này, là một khu vườn bốn mùa an nhiên dành cho tâm trí, nơi chị gửi gắm mong muốn lan tỏa tới bạn bè cũng như tất cả mọi người, rằng hãy mạnh dạn cất lên tiếng hát để trải bày những suy tư, xoa dịu tâm hồn bằng nghệ thuật và thỏa mãn khát vọng muốn biểu đạt.
Do đó, mỗi ca khúc trong Bốn mùa và em là một câu chuyện, và đều mở đầu bằng những lời tự sự tâm tình. Đây là phong cách trần thuật âm nhạc rất mang màu sắc của những năm 90, tâm tình cùng người nghe, và tâm tình với chính mình nữa. “Ai cũng biết và luôn nhắc về Hà Nội với các con phố thân quen, nhưng với tôi, những sắc hoa nở suốt 12 tháng của năm mới là nỗi nhớ da diết, đeo bám suốt nhiều chục năm xa Hà Nội. Cứ thế, Hà Nội trong tôi luôn nồng nàn hương hoa thơm ngát…” những lời thủ thỉ cất lên từ một chất giọng tròn vành rõ chữ, thanh lịch và trang nhã, phản ánh cả sự pha trộn là kết quả của hành trình xê dịch không gian cư trú Bắc – Nam, dẫn lối người nghe vào tiếng đệm đàn piano bâng khuâng trong bài hát Hà Nội 12 mùa hoa (sáng tác: Giáng Son).
Album nhạc Bốn mùa và em của Trần Vân Anh phát hành ngày 8.3.2024.
Sản phẩm âm nhạc của Trần Vân Anh dường như mang trọn âm hưởng đặc trưng của khí quyển âm nhạc Việt thập kỷ 90, vô tình được “người đẹp đến từ quá khứ” đóng băng và bảo lưu vẹn nguyên qua thời gian dài "ngủ đông". Không có những bản phối theo phong cách hiện đại, phá cách, chỉ có cách thể hiện truyền thống, khiêm nhu và mộc mạc, tập trung vào sự diễn cảm, phiêu linh của giọng hát.
Ai đó sẽ lại hoài nghi về yếu tố chuyên môn. Có cảm xúc thôi đã là đủ chưa? Đối với những người cảm thụ âm nhạc tinh tế, kỹ thuật điêu luyện triệt để là tôn chỉ nhưng chưa hẳn là tất cả, không phải lúc nào những ca sĩ “hát từ cổ họng hay cơ hoành” đều chinh phục con tim người nghe, mà đôi khi những người “hát dốc lòng từ trái tim” lại gợi được sự chân tình và cộng cảm với khán giả.
Mọi sự đến và đi, chỉ những gì ở lại bên ta là quý giá. Và với Trần Vân Anh, mùa vui nay đã về, chị trở về với mùa an nhiên.
Trần Vân Anh sinh năm 1969, với chiều cao 1m73 từng gây chú ý khi đạt Giải Đặc biệt - Huy chương Vàng cho Người mẫu tại Hội Thời trang Trẻ 90 (TP.HCM), Á hậu 2 - Hoa hậu Báo Tiền Phong 1990 - Hoa hậu Tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh (Giải thưởng phụ của tiền thân Hoa hậu Việt Nam 1990), Á hậu 2 - Festival Thời trang 1991 (TP.HCM).
Album Bốn mùa và em, gồm 10 ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ nổi tiếng như: Văn Cao, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Lê Hựu Hà, Đức Huy, Lê Quang,… đánh dấu sự trở lại của Trần Vân Anh trước công chúng lần đầu tiên sau hơn 30 năm, được phát hành ngày 8.3.2024 trên nền tảng Youtube (Tran Van Anh Official) và CD vật lý.
Phạm Minh Quân (Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/a-hau-tran-van-anh-bon-mua-va-em-42874.html