A Lưới: Người dân 'khát' đất sản xuất
A Lưới là huyện có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế và là địa bàn sinh sống chủ yếu của cộng đồng người: Tà Ôi, Pa Cô, Bru Vân Kiều, Pa Hy... Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các chính sách, chương trình giảm nghèo đã giúp bộ mặt nông thôn huyện vùng cao này thay đổi. Khó khăn lớn nhất hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới là câu chuyện thiếu đất sản xuất…
Thiếu đất sản xuất ở thôn La Tưng
Huyện A Lưới có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nếu chiếu theo quy định: Một hộ dân được cấp 0,75 héc-ta đất nông nghiệp và 2 héc-ta đất rừng. Thực tế này đã gây khó khăn trong làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi của người dân. Đây chính là rào cản lớn nhất khiến người dân mãi chưa thể thoát nghèo dù được hỗ trợ từ khá nhiều chương trình, dự án.
Anh Hồ Văn Ngân (trú tại thôn La Tưng, xã Lâm Đớt) cho biết: Từ Tết Nguyên đán đến nay sau khi đi làm ăn từ phía Nam về, anh chỉ ở nhà, thi thoảng có ai gọi thì đi làm thuê… thu nhập không cao và không ổn định. Gia đình cũng muốn chăn nuôi thêm lợn, gà để cải thiện đời sống, nhưng thiếu vốn, lại thiếu cả đất để làm chuồng, trại chăn nuôi. Vì không có đất sản xuất nên mới đi làm thuê, ngôi nhà nhỏ gia đình đang ở hiện tại là mượn đất của anh trai… Anh Hồ Văn Nghĩa (anh trai anh Ngân) cho biết: Ngày trước, gia đình anh sinh sống ở khu vực gần bến xe trung tâm huyện A Lưới hiện nay. Tuy nhiên, do không có đất sản xuất, bố mẹ anh đã quyết định đưa cả gia đình đi vào khu vực gần biên giới Việt - Lào thuộc thôn A Đớt, xã Lâm Đớt để kiếm kế sinh nhai. Tại nơi ở mới, bên cạnh diện tích đất ở, gia đình anh cũng chỉ khai hoang được hơn 5 sào ruộng và ít đất làm nương rẫy. Khi 3 anh em anh Nghĩa lớn lên, gia đình này lại rơi vào cảnh thiếu cả đất ở lẫn đất sản xuất, và một cuộc thoát ly nữa lại diễn ra…
Cùng được đưa đến tái định cư tại thôn La Tưng từ thôn PaRis KaVin vào năm 2012, gia đình anh Hồ Văn Phất cũng như gia đình anh Nghĩa, Ngân và các hộ dân khác của thôn lại phải quay về nơi ở cũ để xin cha mẹ, người thân đất ruộng, đất rừng để làm. Diện tích vốn đã ít, khi chia nhỏ ra thì vấn đề càng trở nên khó khăn hơn. Gia đình anh Phất hiện có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có khoảng 500m2 cả đất ở lẫn đất vườn tại nơi ở mới. Hiện 2 sào ruộng được bố mẹ chia cho chưa kịp hết rơm thì lúa trong bao đã cạn…
Ông Hồ Sỹ Khu, trưởng thôn La Tưng cho biết, do không có đất sản xuất nên có 39 lao động trong thôn phải đi làm việc ở các địa phương khác…
Sớm có đất hỗ trợ người dân
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại huyện A Lưới, không chỉ La Tưng mà nhiều khu vực tái định cư, khu dân cư người dân tộc thiểu số cũng chung cảnh “khát” đất sản xuất kéo dài. Bản mới Pà Ay ở xã Hồng Thủy là một ví dụ. Đây là bản tái định cư với các hộ dân thuộc diện hộ nghèo thiếu đất sản xuất, hộ sống ở khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở núi, lũ lụt. Mỗi hộ dân khi vào nơi ở mới Pa Ay được cấp 500m2 bao gồm cả đất ở và đất vườn. Với số diện tích này, người dân muốn phát triển sản xuất phải mượn đất sản xuất của người dân các thôn khác hoặc quay về nơi cũ xin chia đất với cha mẹ, người thân. Dù thôn đã hình thành được hơn 10 năm nhưng cơn “khát” đất sản xuất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đó cũng là thực trạng chung tại các Làng thanh niên lập nghiệp (xã Hương Phong); các thôn tái định cư thủy điện A Đên, A Sáp (xã Hồng Thượng), hay các điểm định canh định cư khác trên địa bàn A Lưới.
Ông Hồ Văn Ngưm - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, ở huyện A Lưới có rất nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, một số xã hiện không có quỹ đất để bố trí cho người dân, nhiều nơi có đất không sản xuất được. Vừa qua, huyện đã chỉ đạo rà soát toàn bộ diện tích đất của xã để tính toán sớm hỗ trợ người dân. Ngoài ra, về lâu dài, để giải quyết tình trạng thiếu đất, địa phương sẽ hỗ trợ người dân đào tạo nghề, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ để người dân có thêm công ăn việc làm.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/a-luoi-nguoi-dan-khat-dat-san-xuat-144233.html