Á quân Sao Mai 2013 Thùy Dung tái xuất với liveconcert Trăng hát
Sau 6 năm giành giải tại Sao Mai, Thùy Dung lui về nghiên cứu âm nhạc, đi du học… và rồi bất ngờ tái xuất bằng dự án âm nhạc lớn Trăng hát với những ca khúc thính phòng cổ điển. Ê kíp thực hiện liveconcert cùng Thùy Dung là những người được mệnh danh khó tính và đắt sô nhất hiện nay.
Trong cuộc thi Sao Mai 2013, Phạm Thùy Dung là một gương mặt nổi bật với giọng nữ cao đẹp, trong trẻo và ngoại hình sáng sân khấu. Không chỉ giành giải Nhì ở dòng nhạc dân gian, cô còn nhận được giải Ca sĩ được yêu thích nhất chương trình. Đó là một bệ phóng quan trọng để cô có thể bước xa hơn trên con đường âm nhạc, đặc biệt là với dòng dân gian mà cô đã ghi được dấu ấn.
Liveconcert Trăng hát của Phạm Thùy Dung sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 29/9/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự đồng hành của của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO) do nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine chỉ huy, cùng khách mời là hai nam ca sĩ Đăng Dương và Tùng Dương. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – người được mệnh danh thầy “phù thủy” của thính phòng cổ điển là người giữ vai trò Giám đốc âm nhạc của liveconcert.
Concert sẽ được chia làm 3 phần: Phần 1: Âm nhạc cổ điển; Phần 2: Âm nhạc Việt Nam và Phần 3: Âm nhạc Giao thoa. "Trăng hát" sẽ bao gồm 20 ca khúc trong và ngoài nước theo phong cách thính phòng, trong đó có những ca khúc nằm trong Album “Moon” dự kiến phát hành trong quý 4/ 2019.
Theo đó, khán giả sẽ được nghe các ca khúc kinh điển nổi tiếng của thế giới và Việt Nam rất kén người biểu diễn như "Ave Maria" (Gounod), "Khúc hát nàng Solveig" (Nhạc: Edward Grieg, Lời việt: Phạm Duy), "Tiếng cười" (Johann Strauss) hay "Ở rừng nhớ anh" (An Thuyên), "Bài ca hy vọng" (Văn Ký)… Đặc biệt, tại concert này, Phạm Thùy Dung cũng sẽ biểu diễn ca khúc “Tôi nhìn theo cánh chim bay” trong MV cùng tên ra mắt ngày 14/6/2019, với phần minh họa của nghệ sĩ múa Nam Tây.
Trong buổi họp báo giới thiệu liveconcert Trăng hát, Phạm Thùy Dung chia sẻ về lý do theo đuổi âm nhạc cổ điển chứ không phải dòng dân gian mà mình đã có được thành quả nhất định rằng, cô yêu những làn điệu dân ca và chọn dòng nhạc dân gian để thi Sao Mai. Nhưng sau này nhớ lại quá khứ, cô mới nhận ra một điều: Hóa ra từ hồi bé mình đã hát cho nhà thờ, khi đó vẫn chưa biết thế nào là âm nhạc cổ điển thính phòng. Sau này đi học, cô mới biết nguồn gốc âm nhạc cổ điển chính là từ nhà thờ.
Chia sẻ về concert của Thùy Dung, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết: "Sau ca sĩ Đăng Dương và Lan Anh, rất hiếm có nghệ sĩ trẻ thử thách bản thân với một concert thính phòng đúng nghĩa. Trong khoảng 2 tháng làm việc và luyện tập cho chương trình cùng Thùy Dung, tôi và ekip già đi rất nhiều để tìm cách xây dựng một concert có chiều sâu và lớp lang hấp dẫn. Liveconcert sẽ được bắt đầu với âm nhạc cổ điển thính phòng châu Âu, trong đó Dung sẽ giới thiệu những cái mình đã học, là khuôn mẫu để tất cả bắt đầu, khi đó khán giả sẽ có tinh thần đón nhận những gì “nặng đô” nhất. Khi mọi người cảm thấy đủ rồi, sẽ chuyển sang phần 2 là những bài ca Việt Nam đi cùng năm tháng, gần gũi hơn với khán giả. Nhưng đích đến lại là ở phần 3”.
Hát opera với thính phòng trên thế giới nhiều rồi, nhưng quan trọng mình nên “Việt Nam hóa” âm nhạc thính phòng. Các ca sĩ thính phòng Việt Nam rất khó khăn để có bài hát mới, đặt hàng viết bài hát thính phòng là khó. Dung là 1 trong số ít ca sĩ thính phòng nghĩ đến sẽ làm gì trong tương lai và con đường nghệ thuật của mình. Đó không chỉ là câu chuyện của Dung mà của cả các ca sĩ thính phòng tại Việt Nam. Phần 3 của Dung sẽ trả lời cho câu hỏi đó”.
Hai khách mời đặc biệt trong chương trình là nam ca sĩ Đăng Dương và Tùng Dương. Nếu Tùng Dương mang tới chương trình màu sắc đậm chất dân gian thì Đăng Dương thuần một màu thính phòng. Sự kết hợp của Thùy Dung với 2 màu sắc khác biệt này cũng sẽ tạo điểm nhấn độc đáo cho chương trình.
Một trong những điểm nhấn khác của liveconcert Trăng hát nằm ở thiết kế sân khấu do đạo diễn ánh sáng Phạm Xuân Trường đảm nhiệm. Để phù hợp với chủ đề Trăng hát, sân khấu dành cho đêm nhạc sẽ là sự hòa quyện của nghệ thuật sắp đặt và ánh sáng, đảm bảo vừa có thể tôn lên giọng hát trong trẻo, thuần khiết của Phạm Thùy Dung, lại vừa tôn trọng tính hàn lâm kinh viện của dàn nhạc giao hưởng, âm nhạc cổ điển, đồng thời kết nối với tinh thần đương đại của đời sống hiện tại. Ánh sáng trăng sẽ được ekip sử dụng xuyên suốt để tạo nên màu sắc chính của sân khấu và đóng vai trò một hình ảnh ẩn dụ cho giọng ca của Phạm Thùy Dung. Ánh sáng trong trẻo đó cũng phản ánh một không gian âm nhạc siêu thực, nơi người nghệ sĩ thỏa sức vùng vẫy với đam mê ca hát, ngợi ca cuộc sống, tình yêu, khát vọng sáng tạo.