Ả Rập Xê-út quan tâm đến công nghệ lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ
Ả Rập Xê-út cho biết họ đang quan tâm đến việc nghiên cứu công nghệ cho các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ, khi nhà cung cấp dầu lớn nhất Trung Đông đang tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng và tạo ra năng lượng sạch hơn để sử dụng trong nước và xuất khẩu, Bloomberg đưa tin.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê-út, cho biết hôm Chủ nhật (8/10) tại Hội nghị về khí hậu ở thủ đô Riyadh, rằng vương quốc này là “người đến sau” trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và có mục tiêu nghiên cứu tất cả các loại hình và ứng dụng của việc sản xuất nguyên tử. Ả Rập Xê-út đang xây dựng một lò phản ứng thử nghiệm và đang tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ khi nước này muốn phát triển chương trình hạt nhân.
Vịnh Ba Tư đang trở thành tâm điểm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vào cuối năm nay khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống (UAE) nhất chuẩn bị đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế khí thải. Nhưng trong khi các thành viên Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Ả Rập Xê-út và UAE nỗ lực phát triển các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và hệ thống thu hồi carbon, họ cũng đang đầu tư để mở rộng công suất khai thác dầu.
Hoàng tử Abdulaziz nói rằng có lý khi vương quốc này tiếp tục khai thác dầu và khí đốt. Mặc dù tỷ trọng dầu và khí đốt có thể giảm đi nhưng nó vẫn sẽ là một phần của hệ thống năng lượng mà có thể sẽ chứng kiến nhu cầu tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này.
Ông Suhail Al Mazrouei, Bộ trưởng năng lượng UAE, nói trong một cuộc hội thảo với đồng nghiệp Ả Rập Xê-út rằng đầu tư vào dầu khí cùng với các nguồn cung cấp khác cho thấy các nước Trung Đông nghiêm túc trong việc trở thành nhà cung cấp năng lượng có trách nhiệm cho thị trường toàn cầu.
Hoàng tử Abdulaziz cho biết Ả Rập Xê-út cũng đang khai thác năng lượng địa nhiệt, bao gồm cả ở các khu vực phía Tây của đất nước, những nơi cách xa nguồn nhiên liệu hóa thạch và đang phát triển công suất thu hồi carbon mới.
Các thành viên của OPEC và các đồng minh bao gồm Nga đã hạn chế sản lượng khi họ tìm cách tăng giá và loại bỏ lượng dầu thô dư thừa trong kho. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm khoảng 10 USD/thùng vào tuần trước do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng.