Ả Rập Xê-út 'quay lưng' với máy bay C-130 Mỹ, mua C-390 Brazil
Từng là khách hàng và là đồng minh hàng đầu của Mỹ, tuy nhiên thời gian gần đây Ả Rập Xê-út lại đang có những chuyển hướng trong chính sách quốc phòng.
Ả Rập Xê-út chuẩn bị trao đổi 42 chiếc máy bay Lockheed C-130 Hercules được sản xuất tại Mỹ, để lấy 33 chiếc Embraer C-390 Millennium của Brazil. Thỏa thuận này không chỉ bao gồm những chiếc máy bay của Brazil mà còn bao gồm cả cơ sở đào tạo, sản xuất trong nước, các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu.
Tin tức về các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Ả Rập Xê-út, Brazil và quỹ đầu tư SAMI đã từng được tờ Bulgarian Military thông tin vào đầu năm 2024. Thỏa thuận mà Ả Rập Xê-út đề xuất không chỉ bao gồm việc sửa chữa và bảo trì, mà còn bao gồm việc lắp ráp máy bay C-390. Các nguồn tin phía Ả Rập Xê-út còn tiết lộ rằng, Brazil đã đồng ý với các điều khoản này.
Diễn biến này diễn ra vào thời điểm căng thẳng quân sự ngày càng gia tăng giữa Riyadh và Washington. Trước đó, Ả Rập Xê-út đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Hiện tại, BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Rào cản chính trị
Hiện Ả Rập Xê-út đang sở hữu 42 máy bay vận tải quân sự C-130. Những máy bay này được Ả Rập Xê-út mua vào đầu những năm 1970. Ả Rập Xê-út đã liên tục đầu tư vào phi đội C-130 của mình trong những năm qua, với việc mua sắm các mẫu mới hơn và nâng cấp những chiếc hiện có.
Các chuyên gia dự đoán rằng, việc Ả Rập Xê-út mua C-390 có thể làm mối quan hệ giữa Riyadh và Washington thêm xấu đi. Trước đó, Ả Rập Xê-út cũng bày tỏ muốn mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 nhưng vẫn chưa được Washington chấp thuận vì nhiều lý do như xung đột ở Yemen, vi phạm nhân quyền và nguy cơ tiềm ẩn làm đảo lộn sự cân bằng ở Trung Đông. Điều quan trọng cần nhớ là Mỹ có chính sách nhằm đảm bảo lợi thế quân sự lâu dài cho Israel.
Cuối cùng là tác động của Quốc hội Mỹ, bởi các quyết định về giao dịch vũ khí thực sự phụ thuộc vào cơ quan chính trị này. Thời điểm hiện tại cho thấy Quốc hội Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Ả Rập Xê-út mua máy bay F-35. Tuy nhiên, một điều cần nhớ là những quyết định này không cố định và có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị hoặc những thay đổi về lãnh đạo, cùng nhiều yếu tố khác.
Chiến đấu cơ Eurofighter và Rafale
Dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Mohammed bin Salman, Ả Rập Xê-út có kế hoạch mua máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon từ tập đoàn Airbus và BAE Systems. Chiếc máy bay phản lực này được sản xuất bởi Anh, Italia, Đức và Tây Ban Nha, tất cả đều là thành viên NATO. Ngoài ra, Ả Rập Xê-út cũng đã xác nhận hợp đồng mua 54 chiếc Rafale từ tập đoàn Dassault Aviation của Pháp.
Thỏa thuận mua C390 từ Brazil của Ả Rập Xê-út có thể sẽ khiến Mỹ “khó chịu”. Tuy nhiên, kịch bản này có thể thay đổi đáng kể nếu Washington xem xét lại quyết định của mình và đồng ý bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 cho Riyadh. Trong trường hợp như vậy, Ả Rập Xê-út có thể cân nhắc mua máy bay vận tải thế hệ mới nhất của Mỹ, được trang bị công nghệ tiên tiến và tính năng vượt trội.
Vậy điều gì làm nên sự khác biệt của Embraer C-390 Millennium với C-130 của Lockheed Martin? So sánh cả hai máy bay quân sự sẽ cho thấy lợi thế đáng kể của gã khổng lồ Brazil so với đối thủ từ Mỹ.
C-130 so với C-390
Embraer C-390 Millennium là máy bay được chế tạo dành riêng cho mục đích quân sự. Máy bay được trang bị hai động cơ phản lực, được thiết kế tiết kiệm về mặt chi phí nhưng vẫn giữ được tính linh hoạt và có khả năng thực hiện được nhiều nhiệm vụ. C-390 có thể vận chuyển binh lính và hàng hóa, vận chuyển hàng không, tham gia tiếp nhiên liệu trên không, thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy rừng.
Khi so sánh C-390 Millennium với C-130 của Lockheed Martin, một số điểm tương phản thú vị đã xuất hiện. Sự khác biệt rõ ràng nhất là hệ thống động cơ phản lực của C-390, trái ngược với hệ thống động cơ phản lực của C-130. Điều này mang lại cho C-390 lợi thế về tốc độ và phạm vi hoạt động. Ngoài ra, C-390 còn được trang bị một số công nghệ tiên tiến, cho phép máy bay nâng cao độ an toàn khi bay và giảm khối lượng công việc của phi công.
Khi so sánh về khả năng vận chuyển hàng hóa, C-390 cũng vượt trội hơn C-130. C-390 có đường dốc phía sau tương tự như C-130, nhưng nó được bổ sung hệ thống xử lý hàng hóa cải tiến cho phép vận hành nhanh hơn. Hơn nữa, khoang chở hàng của C-390 rộng rãi hơn C-130, cho phép vận chuyển hàng hóa lớn hơn và cao hơn.
Một ưu điểm quan trọng nữa của C-390 Millennium là thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với đường băng ngắn hơn và những sân bay có cơ sở hạ tầng hạn chế. Hơn nữa, động cơ của C-390 tiết kiệm nhiên liệu và bảo trì đơn giản hơn nên chi phí hoạt động của C-390 thấp hơn.
Xét về khả năng tiếp nhiên liệu trên không, cả hai máy bay đều hoạt động như nhau. Tuy nhiên, C-390 có lợi thế hơn do khả năng tương thích với cả máy bay được trang bị đầu dò và ổ cắm, trong khi C-130 chỉ giới hạn ở những máy bay có đầu dò. Điều này giúp C-390 có thêm tính linh hoạt trong vấn đề này.
Lịch sử hoạt động
Khi so sánh về trải nghiệm thực tế, thì C-130 được đánh giá cao hơn C-390. C-130 Hercules đã tham gia vô số nhiệm vụ kể từ khi được ra mắt vào những năm 1950. Nó đã tham gia nhiều cuộc xung đột như Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh vùng Vịnh và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
C-130 Hercules cũng được sử dụng cho nhiều hoạt động đặc biệt như nhiệm vụ giải cứu con tin ở Iran năm 1980. C-130 còn tham gia các nhiệm vụ sơ tán y tế, cứu trợ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Khả năng thích ứng linh hoạt và độ bền của máy bay đã giúp C-130 trở thành chiếc máy bay phổ biến nhất trong các hoạt động quân sự trên toàn thế giới.
Trong khi đó, C-390 Millennium còn khá mới, chiếc máy bay này mới được Embraer giới thiệu vào năm 2018. Do đó, nó tham gia ít nhiệm vụ hơn so với C-130 Hercules vì vậy chiếc máy bay này cũng chưa có nhiều hoạt động thực tế đáng kể nào. Tuy nhiên, trong tương lai chiếc máy bay này có thể sẽ trở thành đối thủ nặng ký đối với C-130 của Mỹ.