Abyei - Có chúng tôi ở đây!
'Chào mừng tới thiên đường'. Thấy chiếc cổng chào nhỏ với tấm biển ghi dòng chữ bằng tiếng Anh viết cách điệu như sóng lượn, màu xanh da trời, bên dưới logo của Liên hợp quốc (LHQ) sau khi làm thủ tục ra khỏi bãi đáp trực thăng ở Phái bộ an ninh lâm thời của LHQ tại Khu vực Abyei (UNISFA) là bạn đã chính thức đặt chân tới Abyei.
Chiếc cổng chào đó hiện diện ở Abyei trước khi những người lính mũ nồi xanh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đến mảnh đất được gọi là thiên đường với nghĩa bóng này. Vậy nhưng, chỉ gần ba năm Đội công binh (ĐCB) và các sĩ quan cá nhân của Việt Nam đến đây, niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn đã hiển hiện?
“Thiên đường” của xung đột
Có một vùng đất bằng phẳng, rộng hơn 10.000km2, kẹt giữa hai đất nước: Sudan nội chiến triền miên ở phía Bắc và ở phía Nam là Nam Sudan - quốc gia trẻ, nghèo nhất thế giới cũng bởi xung đột không ngớt kể từ khi tách ra độc lập khỏi Sudan từ năm 2011. Đó chính là Abyei - khu vực tranh chấp khiến LHQ phải can thiệp để vãn hồi hòa bình. Đó cũng chính là nơi những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người dân nơi đây.
Ở Abyei ban đầu có hai bộ tộc chính là Ngok Dinka và Messiryia sinh sống. Từ thế kỷ 17, người Ngok Dinka đến đây trồng trọt, chăn nuôi. Tiếp đó, người Messiryia - những người du mục Arab sống bằng nghề chăn thả gia súc theo mùa trong năm – cũng tìm thấy bình yên ở vùng đất chỉ có hai mùa: Mùa khô thì bụi còn mùa mưa thì ngập nhiều nơi và ruồi muỗi thì nhiều vô kể.
Thế nhưng, nếu lịch sử cứ tiếp diễn thế thì các bộ tộc ở khu vực này vẫn đang sống hòa thuận và Abyei - nơi hiện được hưởng "quy chế hành chính đặc biệt" - sẽ không phải là điểm đặc biệt chú ý của thế giới. Chiến tranh, xung đột sắc tộc, lợi ích đã khiến Abyei trở nên đặc biệt hơn cả đặc biệt, vùng đất được hình thành bởi xung đột, chiến tranh những vẫn tiếp tục tồn tại cùng xung đột và chiến tranh.
Sudan cũ đã trải qua hai cuộc nội chiến, lần thứ nhất từ năm 1956 đến năm 1972 và lần thứ hai từ năm 1983 đến năm 2005. Kết quả của những cuộc chiến triền miên qua hàng chục năm là Sudan được tách thành hai quốc gia độc lập: Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Nam Sudan như hiện nay.
Ấy nhưng, Abyei lại là sản phẩm phụ của quá trình tách lập này. Năm 2005, Sudan và Nam Sudan ký Thỏa thuận hòa bình, chấm dứt nội chiến, dẫn tới sự ra đời của hai quốc gia mới. Xung đột tái bùng phát kể từ khi Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập khỏi Sudan năm 2011. Trong một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, Sudan và Nam Sudan đã tranh cãi gay gắt về việc Abyei sẽ thuộc về quốc gia nào. Cuối cùng, hai nước tạm thời thỏa thuận địa vị của Abyei sẽ được quyết định bởi một cuộc trưng cầu dân ý riêng vào tháng 1-2011, cùng với ngày bỏ phiếu về nền độc lập của Nam Sudan. Tuy nhiên, cuộc thăm dò đã bị trì hoãn do những bất đồng về việc ai sẽ đủ tư cách bỏ phiếu. Vậy là, ngày 20-6-2011, dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi, hai nước ký thỏa thuận tạm thời về an ninh và hành chính ở khu vực Abyei. Theo đó, hai nước cam kết rút quân khỏi khu phi quân sự Abyei, thiết lập Ủy ban giám sát chung và một số cơ chế hỗn hợp để giải quyết tranh chấp tại khu vực Abyei để tiến tới triển khai cắm mốc biên giới.
Về mặt ngoại giao và trên thực tế, Abyei thuộc kiểm soát của Sudan và việc thực hiện các thỏa thuận với LHQ đối với Phái bộ UNISFA do Sudan đảm nhiệm. Tuy nhiên, từ tháng 3-2023, nội chiến tại Sudan bùng phát trở lại và khiến cho việc duy trì quyền kiểm soát của Sudan đối với khu vực Abyei cũng không còn chặt chẽ như trước. Việc này ảnh hưởng lớn tới công tác bảo đảm hậu cần, luân chuyển quân của Phái bộ UNISFA. Tháng 6-2023, LHQ đã làm việc với cả Sudan và Nam Sudan để đạt được thỏa thuận về việc cho phép người, phương tiện, hàng hóa đến Phái bộ UNISFA được phép luân chuyển từ Entebbe (Uganda) thông qua Wau (Nam Sudan), thay vì Entebbe qua Khartoum (Sudan) như giai đoạn trước.
Đôi nét về Abyei, nơi người dân đeo súng ra đường hay đi chăn gia súc, để hình dung ra hành trình mà những người lính GGHB LHQ của Việt Nam đến với Abyei cũng như môi trường thực hiện nhiệm vụ của họ. Đầu tháng 6-2024, đoàn công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt GGHB LHQ do Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, làm trưởng đoàn đã đến UNISFA. Đoàn lên máy bay thương mại từ Hà Nội, quá cảnh tại Dubai rồi tiếp tục bay sang Uganda, nghỉ qua đêm ở Ebtebbe để chờ tới hôm sau đi bằng máy bay cánh cố định của LHQ tới Wau rồi từ đó đi máy bay trực thăng của LHQ để tới Abyei. Với những người lính GGHB, máy bay của LHQ là phương tiện duy nhất để đến với Abyei, trong khi các loại máy móc, thiết bị sẽ được chuyên chở bằng đường bộ.
Góp sức cải tạo “thiên đường”
Tháng 5-2022 đoàn tiền trạm của ĐCB đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đến Abyei. Nhiệm vụ LHQ giao cho ĐCB Việt Nam từ đó đến nay tóm gọn là bảo đảm các tuyến giao thông, xây dựng và bảo trì doanh trại và sân bay trực thăng... Vậy là, vào mùa khô họ sửa chữa hoặc mở những con đường mới còn vào mùa mưa họ vẫn sửa đường và cứu kéo các phương tiện sa lầy. “Thiên đường” dần trở nên tốt hơn với sự đóng góp công sức của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam.
Đất ở Abyei rất lạ. Khô thì rắn như đá nhưng gặp nước lại dẻo như kẹo kéo, bám chặt chân người, quện chặt vào lốp xe. Thế nên, sau mỗi cơn mưa lớn thì mặt đường lại biến dạng, chưa kể có những đoạn đường sẽ bị ngập trong mùa mưa. Theo thỏa thuận, LHQ không được phép làm đường bê tông ở Abyei, thậm chí những con đường đi bộ bằng bê tông trong căn cứ cũng phải có sự đồng ý của chính quyền mới được xây dựng. Thế nên, riêng việc sửa đường là việc quanh năm không hết.
“Nhiệm vụ cứu kéo rất phức tạp. Phái bộ thì chỉ giao kéo xe của LHQ. Thế nhưng có trường hợp để kéo được một xe của LHQ sa lầy thì phải kéo tới vài chục xe của dân thường, vừa giúp họ, vừa để thông đường”, Đại tá Nguyễn Việt Hưng, Đội trưởng ĐCB số 2 chia sẻ.
Trong khi đó, xây dựng doanh trại cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà Phái bộ giao cho ĐCB Việt Nam. Từ tháng 3-2023, ĐCB bắt đầu xây dựng doanh trại thông minh của mình ở Căn cứ Highway cũng như cho các đơn vị bạn đóng quân trên địa bàn. Tới nay dự án đã hoàn thành với tổng số 30 module nhà được lắp ghép bằng vật liệu tiền chế, bao gồm: Văn phòng, nhà ở, nhà ăn tập trung, bếp nấu, phòng thể chất, nhà vệ sinh và các hạng mục công trình tiện ích, phụ trợ như hệ thống xử lý nước, hệ thống xử lý rác thải rắn, trạm sửa chữa, khu vực bố trí máy phát điện, trạm năng lượng mặt trời, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống an ninh giám sát và xây dựng cảnh quan môi trường.
Trong chuyến thăm Phái bộ UNISFA ngày 11-6-2024 của Trung tướng Phạm Trường Sơn, Chuẩn tướng Ameer Muhammad Umrani Quyền trưởng Phái bộ kiêm Tư lệnh Lực lượng Quân sự Phái bộ UNISFA đã đọc thư của bà AnneMarie van den Berg, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về Chuỗi cung ứng thuộc Cục hỗ trợ hoạt động, khen ngợi ĐCB số 2 của Việt Nam làm nhiệm vụ ở khu vực Abyei đã hoàn thành doanh trại thông minh ở căn cứ Highway, doanh trại thông minh đầu tiên được xây dựng bởi một đội công binh quân sự. “Mặc dù điều kiện ở Phái bộ rất đặc thù và nhiều thách thức nhưng ĐCB Việt Nam đã kiên trì thể hiện sự bền bỉ, tự hào và chuyên nghiệp của mình trong thực hiện nhiệm vụ”, bức thư có đoạn viết. Quả thực, Căn cứ Highway từ một nơi tồi tàn nhất đã trở thành một trong những căn cứ hiện đại và đẹp nhất Phái bộ.
Hết lòng vì nhân dân
Ở Abyei sẽ thường xuyên nghe được lời ngợi khen của các lãnh đạo và chỉ huy của LHQ và các đơn vị của các quốc gia khác dành cho những người lính mũ nồi xanh của Việt Nam. Vậy nhưng, hơn cả những lời khen ấy là tình cảm của người dân địa phương dành cho Bộ đội cụ Hồ khi công tác dân vận không phải là nhiệm vụ chính mà LHQ giao.
Đắp một con đường để bệnh nhân không phải lội bùn vào bệnh viện mỗi khi trời mưa, dựng trường học, dựng nhà, sửa thuyền, dạy người dân cách trồng rau xanh, lương thực, chiếu phim cho trẻ em, tặng sách vở cho các trường học, làm giếng nước sạch hay cung cấp nước sinh hoạt cho người dân... Những hành động đó để lại ấn tượng tốt đẹp. Không chỉ Thị trưởng Khu vực Abyei Mading Anyag mà người dân đều coi “Việt Nam chính là bộ tộc thứ 10” ở địa phương (ở Abyei hiện nay có 9 bộ tộc).
Tukul - những căn lều được đắp bằng đất, mái tranh nho nhỏ hình tròn hoặc hình chữ nhật - là nhà ở truyền thống của người địa phương. Họ tận dụng những vật liệu tự nhiên sẵn có để làm lều. Nhà nào sang thì bên trong có chiếc giường là đồ nội thất duy nhất và giường cũng chẳng thể đủ dài cho người Dinka bởi họ là chủng người cao nhất thế giới. Tất nhiên, nền nhà cũng làm bằng đất và nhiều hộ dân gom đất ở mặt đường chính (loại đất muran dùng để trải mặt đường để làm nền cho rắn). Sẽ chẳng thấy đường vào các căn nhà này bởi người dân thường chỉ vào lều để đi ngủ sau một ngày lang thang.
Nói vậy để thấy việc bộ đội Việt Nam giúp dân làm các lớp học kiên cố mới đáng quý thế nào. Khi giá một con dê ở Abyei khoảng 30 USD thì một bao xi măng có giá lên tới 35 USD. Có đủ tiền để mua vật liệu xây dựng đã là việc khó và mua được ở vùng đất đang có xung đột lại càng khó. Vậy nên, bộ đội Việt Nam đã tận dụng vật liệu dư thừa khi sửa doanh trại để làm các lớp học hay sửa thuyền giúp dân. Có thêm những lớp học để các em không phải ngồi học dưới tán cây trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Abyei. Hàn, sơn lại một con thuyền sắt rỉ sét giúp người dân có phương tiện qua sông và cứu hộ trong mùa mưa lũ là những việc làm đặc biệt có ý nghĩa của Bộ đội cụ Hồ. Bởi vậy, mỗi lần bàn giao một con thuyền hay một lớp học đều như một buổi đại lễ với sự chứng kiến của đông đảo lãnh đạo Phái bộ, chính quyền và người dân địa phương.
Bộ đội Việt Nam mới đến Abyei được gần ba năm nhưng nghe trẻ em ở đây hát: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng, màu trắng như mây...” hay những người bán hàng ở chợ mời chào “rau đây”, “gà”, “bò”, “dê”... và nói “1 nghìn”, “5 nghìn”, “được”, “không” bằng tiếng Việt... mới thấy sự gần gũi, ấm áp, đủ để hiểu bộ đội ta gần gũi và được nhân dân địa phương yêu mến thế nào. Xúc động hơn khi đoàn của Trung tướng Phạm Trường Sơn đến thăm một ngôi trường thì hàng trăm em học sinh xếp hàng dài, tay cầm cờ đỏ sao vàng, hô vang “Việt Nam, Hồ Chí Minh!” và đón đoàn với nghi lễ cao nhất của người dân địa phương. Người dân Abyei khẳng định: “Ở đây, LHQ là UNISFA, còn Việt Nam là LHQ với cả trái tim”. Ít ai biết rằng mới đầu năm 2024, 5 tháng trước chuyến thăm này, căng thẳng và bạo lực đã bùng phát mạnh mẽ giữa các tộc người Ngok Dinka, Twic Dinka và Nuer tại khu vực Abyei khiến hàng trăm người dân địa phương thiệt mạng, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong quá trình triển khai lực lượng để bảo vệ thường dân, hai quân nhân của Ghana và Pakistan thuộc Phái bộ UNISFA đã thiệt mạng.
Cuộc sống ở “thiên đường” tốt hơn dù xung đột chưa có dấu hiệu chấm dứt. Với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và sự cống hiến bằng cả trái tim của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam, sẽ có lúc Abyei trở thành thiên đường của hòa bình thực sự.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/abyei-co-chung-toi-o-day-812986