Ác mộng cũng có mặt tích cực

Qua 2 thử nghiệm trên hàng chục người, các nhà khoa học Thụy Sĩ cho rằng ác mộng có tác dụng 'huấn luyện' hệ thần kinh và từ đó chuẩn bị để hệ thần kinh ứng phó với các tình huống căng thẳng có thể xảy ra trong cuộc sống thực.

Ác mộng cũng có mặt tích cực là công cụ tập dượt cho các phản ứng trong tương lai và giúp chúng ta đối mặt với nguy hiểm - Ảnh: Shutterstock

Ác mộng cũng có mặt tích cực là công cụ tập dượt cho các phản ứng trong tương lai và giúp chúng ta đối mặt với nguy hiểm - Ảnh: Shutterstock

Theo Human Brain Mapping, những cơn ác mộng có tác dụng tôi luyện hệ thần kinh và chuẩn bị cho những tình huống căng thẳng có thể xảy ra.

Các nhà khoa học tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ) tin rằng ác mộng là công cụ hoàn hảo để vượt qua nỗi lo lắng gia tăng khi họ phát hiện ra rằng những giấc mơ xấu, khiến một người có cảm giác sợ hãi, không chỉ có mặt tiêu cực, mà còn có mặt tích cực. Ác mộng có tác dụng "huấn luyện" hệ thần kinh và từ đó chuẩn bị để hệ thần kinh ứng phó với các tình huống căng thẳng có thể xảy ra trong cuộc sống thực.

Một thử nghiệm đã được thực hiện với 18 tình nguyện viên. Sử dụng điện não đồ, các nhà khoa học đã đo hoạt tính của các bộ phận não khác nhau trong khi ngủ. Trên đầu của mỗi đối tượng đều được gắn 256 bộ cảm biến. Mỗi người đều bị đánh thức dậy nhiều lần trong một đêm và hỏi liệu anh ta có mơ thấy điều gì khủng khiếp không. Nhà nghiên cứu Lampros Perogamvros cho biết các nhà khoa học tập trung chú ý đến 2 vùng não liên quan đến cảm giác sợ hãi trong giấc mơ. Đó là thùy đảo (insula ) và vỏ não trước. Được biết thùy đảo cũng tham gia vào việc đánh giá cảm xúc khi thức dậy và được kích hoạt một cách có hệ thống khi xuất hiện cảm giác sợ hãi. Vỏ não trước có liên quan đến việc chuẩn bị cơ thể để đối phó với mối đe dọa. Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng các phần tương tự của não được kích hoạt khi xuất hiện cảm giác sợ hãi vào thời điểm thức dậy và trong một giấc mơ.

Một thử nghiệm nữa cũng được thực hiện với 89 người tham gia. Trong vòng một tuần, họ được yêu cầu ghi lại những giấc mơ và cảm xúc trải nghiệm vào buổi sáng. Sau đó, với sự trợ giúp của hình ảnh cộng hưởng từ, các chuyên gia đã tìm ra cách những người tham gia thử nghiệm phản ứng với những hình ảnh của cảnh bạo lực hoặc thảm họa được hiển thị cho họ. Hóa ra, nỗi sợ hãi trong ác mộng càng mạnh thì thùy đảo và vỏ não của đối tượng càng ít kích hoạt. Do đó, các chuyên gia đã xác định rằng có một mối liên hệ giữa cảm xúc trong giấc mơ và trong lúc thức giấc. Ác mộng có thể được coi là công cụ tập dượt cho các phản ứng trong tương lai và chúng có khả năng giúp chúng ta đối mặt với nguy hiểm.

Các nhà khoa học tại Đại học Geneva hiện có ý định nghiên cứu một loại trị liệu mới có thể điều trị chứng lo âu của bệnh nhân bằng những giấc mơ.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/ac-mong-cung-co-mat-tich-cuc-126381.html